Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chiều 9/2 (mùng 5 Tết), đơn vị tuần tra kiểm soát phụ trách tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã lập biên bản lỗi vi phạm “dừng đỗ xe trên đường cao tốc” đối với ông Hồ Chí V. (trú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Trước đó, trưa 6/2 (mùng 2 Tết), trên đường du xuân đầu năm, gia đình lái xe này gồm 4 người đã dừng xe ở làn khẩn cấp trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và thản nhiên trải thảm, bày đồ ăn uống ngay trước đầu xe ô tô, bất chấp các phương tiện khác. Với những hình ảnh bằng chứng rõ ràng, chiếc xe này đã bị giữ lại khi đi qua một trạm thu phí trên hành trình trở về.
Dùng từ "hồn nhiên" là bởi trong vụ việc này, không chỉ người lái xe mà cả gia đình rõ ràng là không nhận thức được mối nguy hiểm khi dừng đỗ tùy tiện trên làn khẩn của đường cao tốc, thậm chí còn vô tư quay trực tiếp cảnh cả nhà vui vẻ ăn trưa và đưa lên mạng xã hội. Ngay sau khi cảnh tượng này được chia sẻ, hầu như tất cả cộng đồng mạng đều tỏ ý phê phán, thậm chí lên án hành vi thiếu hiểu biết. Nó không chỉ gây nguy hiểm tới tính mạng cho chính những người trong cuộc, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với các phương tiện tham gia giao thông khác.
Theo Điều 26 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe trên đường cao tốc phải tuân thủ quy định chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi cho phép. Cụ thể, người lái xe chỉ được phép đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, có thể là lề đường, điểm phình ra trên đường phía tay phải, trong trường hợp khẩn cấp và buộc phải dừng xe do bất khả kháng; mà nếu tiếp tục lưu thông có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, chẳng hạn trường hợp xe gặp sự cố hoặc lái xe buồn ngủ. Ngoài ra, trong quá trình dừng đỗ, người lái xe phải thực hiện các biện pháp như: đặt biển cảnh báo nguy hiểm, liên hệ đơn vị cứu hộ để giải quyết vụ việc đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khác.
Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến việc dừng đỗ sai quy định trên đường cao tốc, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của lái xe và của người tham gia giao thông khác. Nhiều trường hợp, xe gặp sự cố bất khả kháng buộc phải dừng khẩn cấp, nhưng lái xe lại áp dụng biện pháp cảnh báo sai cách, như bẻ cành cây bên đường hoặc bật đèn pin điện thoại để làm tín hiệu. Rất khó để các phương tiện khác đang lưu thông với tốc độ cao có thể phát hiện cảnh báo. Tai nạn đáng tiếc xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Rõ ràng, trong trường hợp nêu trên, lái xe đã dừng xe trên làn khẩn cấp để cả gia đình có một "bữa trưa vui vẻ" là điều không thể chấp nhận. Và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy lái xe áp dụng các biện pháp cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.
Sau khi clip tự quay bị hàng nghìn cư dân mạng chia sẻ, kèm theo những bình luận phê phán gay gắt, người lái xe này đã hiểu ra vấn đề, lập tức xin lỗi cộng đồng mạng và đóng tài khoản mạng xã hội. Nhưng lúc đó đã quá muộn. Hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ đã được cấu thành và hình phạt đã được các cơ quan chức năng áp dụng.
Thông tin mới nhất từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, sau 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trên cả nước đã xảy ra 248 vụ tai nạn giao thông, làm chết 161 người, bị thương 222 người. Năm nào cũng vậy, mỗi ngày lại có vài chục người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Trong số đó, có bao nhiều người chịu oan uổng vì sự thiếu hiểu biết pháp luật của chính họ hoặc của người khác?
Ngẫm ra, 5,5 triệu đồng tiền phạt kèm tước bằng lái 2 tháng là một cái giá quá rẻ cho người lái xe nói trên, bởi không có gì quý giá bằng tính mạng và sức khỏe của mình và gia đình. Hơn nữa, vụ việc còn để lại bài học cho mọi lái xe nói chung khi tham gia giao thông, rằng bên cạnh ý thức tốt thì kiến thức về luật pháp cũng là điều quan trọng không kém.