Xin đừng “Lờ tờ mờ...”

Lâu nay, trên nhiều kênh truyền hình hoặc phát thanh hoặc tại các điểm tổ chức sự kiện… , tình trạng đọc các chữ cái tiếng Việt đứng riêng biệt không theo một chuẩn mực thống nhất diễn ra khá phổ biến.


Chẳng hạn như “hát năm nờ một” (H5N1- trong cụm từ “cúm AH5N1” ), “lờ xê” (LC - trong clip quảng cáo “Hãy soạn LC… gửi…”), “mờ u” (MU - câu lạc bộ bóng đá Manchester United của Anh) v.v. và v.v. .


Đúng là “lờ tờ mờ”.


“Lờ tờ mờ” vì không có sự phân biệt giữa tên chữ cái và âm chữ cái.


Trong hai ví dụ đầu, tại sao các chữ cái H và C lại được đọc theo tên chữ (“hát” và “xê”), còn các chữ cái N và L lại được đọc theo âm của chúng (“nờ” và “lờ”) ?


Lỗi trên đây (nếu coi cách đọc các chữ cái theo âm thay vì theo tên của chúng là “lỗi”) mắc phải nhiều nhất trong trường hợp người ta đọc các chữ cái: L, M, N, G và R.


Hầu hết mọi người đều đọc G8 là “gờ tám” hoặc G20 là“gờ hai mươi” (trong các cụm từ “các nước G8” hoặc “các nước G20”). Cách đọc “gờ tám” và “gờ hai mươi” gần như đã được “phổ cập hóa”.


Tuy nhiên, cũng có không ít người không tán thành cách đọc này. Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (TTXVN) là một người như vậy. Những khi đăng đàn bình luận trên kênh truyền hình V News mà đề cập đến nhóm các nước G8 hoặc G20, ông đều gọi họ là các nước “giê tám” hoặc “giê hai mươi”.
Những người như ông Phát có cái lý của mình.


Lý ấy dựa trên nguyên tắc đọc các chữ cái theo tên của chúng, chứ không phải là “phát âm” các chữ cái đó.


“Ngày N” và “giờ G” xưa nay vẫn được đọc là “ngày en-nờ” và “giờ giê”, chứ không ai đọc là “ngày nờ” và “giờ gờ”. Tương tự như vậy, những chữ viết tắt như GMT (trong cụm từ “giờ GMT”, viết tắt theo tiếng Anh) được đọc theo tiếng Việt là “giê em-mờ tê” hoặc GDP (tổng sản phẩm quốc nội, viết tắt theo tiếng Anh) được đọc theo tiếng Việt là “giê đê pê” .


Thế thì G8 và G20 phải được đọc là “giê tám” và “giê hai mươi” thay vì “gờ tám” và “gờ hai mươi”. H5N1 phải được đọc là “hát năm en-nờ một”. Tên viết tắt MU của đội bóng danh tiếng nước Anh phải được đọc là “em-mờ u”... .


Mỗi chữ cái có một tên riêng của nó. Bảng chữ cái A, B, C, … ( a, bê, xê,…) đã biểu thị tên gọi tất cả các chữ cái trong tiếng Việt. Xin đừng nhầm với hệ thống âm “a, bờ, cờ…” của các chữ cái này.


Trong bài “Những chữ cái nhảy múa” (đăng trên Tuổi trẻ Online ngày 21/4/2010), Tiến sĩ Lê Vinh Quốc cũng đã nói rõ: “Từ năm 2003 các chuyên gia giáo dục tiểu học đã thực hiện một giải pháp cho vấn đề này. Theo đó hệ thống “a-bê-xê”được khẳng định là hệ thống tên chữ để sử dụng khi đọc từng chữ cái riêng biệt; còn hệ thống “a-bờ-cờ” là hệ thống âm của các chữ dùng để ghép vần. Thế là đã có một hệ thống chuẩn mực giúp ta đọc đúng tên chữ cái ở mọi lúc, mọi nơi.”


Tiếc là vẫn không ít người nhầm.



Nguyễn Quốc Uy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN