Vài suy nghĩ trong mùa lễ hội

Tôi có dịp vãn cảnh chùa Hương vào những ngày cuối năm. Đó là những ngày vắng khách. Suối Yến lững lờ trôi với chỉ một vài con thuyền bơi chầm chậm. Hương Sơn hiện ra mờ ảo trong làn sương cuối đông, tĩnh lặng, thanh thoát, một vẻ đẹp thoát tục…

Có đến chùa Hương vào những ngày vắng lặng như vậy mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của “bầu trời, cảnh Bụt” mà cụ Chu Mạnh Trinh mô tả trong “Hương Sơn Phong Cảnh Ca”.

Trong không gian thanh tịnh ấy, con người dường như dễ đến gần, dễ giao cảm hơn với thiêng liêng, dễ hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận vẻ đẹp của một vùng đất địa linh của Tổ quốc.

Không gian ấy khác hẳn không gian lễ hội hàng năm ở nơi đây cũng như ở một vài lễ hội truyền thống khác trong dịp đâu xuân. Có lẽ niềm tin và sự mong cầu quá lớn vào thiêng liêng đã khiến nhiều người không giữ được sự tĩnh lặng cần thiết để cảm nhận vẻ đẹp của không gian lễ hội cũng như nét văn hóa đặc trưng của từng lễ hội... đó quả thật là điều đáng tiếc.

Có lẽ vì mong muốn có được sự may mắn cho cả năm, nên vài năm trở lại đây, ở các lễ hội đã xảy ra cảnh tranh giành, “cướp” lộc, khiến không gian lễ hội có phần giảm đi những nét đẹp văn hóa. Và với những ai có niềm tin, tín ngưỡng vào những điều thiêng liêng trong từng lễ hội cũng sẽ cảm thấy tiếc khi không gian lễ hội với sự xô bồ, tranh giành đã vô tình làm mất đi nét đẹp tâm linh…

Tất nhiên, không gian lễ hội với mỗi người đều có một ý nghĩa riêng. Người mong cầu sự bình an, người ước mơ có nhiều tài lộc, thăng tiến…Có người tìm đến lễ hội để hòa mình vào không gian văn hóa, cảm nhận những nét đẹp được cha ông gìn giữ đến ngày nay. Có người đến để chiêm bái, tìm sự an nhiên, vui vẻ trong những ngày đầu năm mới…

Nhưng cho dù đến với tâm thế nào, không gian lễ hội truyền thống những ngày đầu năm cũng cần được gìn giữ những nét đẹp, những giá trị mang tính cốt lõi và phù hợp với nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đúng như chỉ đạo của Bộ VHTT và Du lịch mới đây, việc quản lý và tổ chức lễ hội cần đảm bảo việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm như tranh cướp lộc, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... 

Những lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc cũng đã được hạn chế, không cấp phép tổ chức… Có thể xem đây chính là những nét mới, tích cực của ngành Văn hóa trong mùa lễ hội năm nay.

Để thực hiện được những điều này, giữ gìn được nét đẹp văn hóa của từng lễ hội truyền thống của dân tộc, không ai khác có thể làm được ngoài ý thức của người dân, của chính cộng đồng thụ hưởng những nét văn hóa truyền thống ấy.Và cũng chính cộng đồng ấy là người có trách nhiệm lựa chọn, gìn giữ những nét đẹp trong từng lễ hội, loại bỏ những hủ tục, những hiện tượng không phù hợp, để không gian lễ hội không chỉ là nơi lưu giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống mà còn là chất keo gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh văn hóa của cộng đồng, của dân tộc ấy. 


Sau những ngày Tết, người dân cả nước đang bước vào những ngày vui mới, đó là mùa của những lễ hội truyền thống ở các địa phương trong cả nước. Vui xuân, vui hội chính là gìn giữ, thể hiện nét văn hóa của mỗi người và của cả cộng đồng. Điều  đáng mừng là mùa lễ hội dù vẫn đang còn dài, nhưng ở những nơi khai hội sớm đã không còn cảnh tranh giành, xô bồ như mấy năm gần đây nữa.

Tuy nhiên, những cảm xúc đầu xuân cũng dễ làm lòng người trở nên “tâm linh” hơn với những hiện tượng bình thường diễn ra xung quanh mình. Những cảm xúc này đôi khi biến sự thiêng liêng và những vẻ đẹp văn hóa của lễ hội thành sự mê tín, phục vụ cho những mong cầu cá nhân, làm mất đi vẻ đẹp của các lễ hội. Giống như câu chuyện con cá “biết bơi, biết trồi lên, lặn xuống dưới mương nước” ở Nghệ An trong mấy ngày gần đây, bỗng dưng được xem là “cá thần”, rồi nhiều người mang hương khói đến cúng bái xì xụp cầu nguyện… Câu chuyện này khiến người viết liên tưởng đến câu ca dao được truyền tụng lâu nay: “nực cười thầy bói soi gương, thầy tu chải chấy, con cá mương hóa… thần”.

Nhu cầu tâm linh là một nhu cầu tự nhiên của hầu hết tất cả các cộng đồng, nhưng trong xã hội văn minh hiện nay, mỗi người cần tỉnh táo để đừng biến những hiện tượng bình thường thành chuyện “huyền bí” và đừng để sự mê tín làm mất đi vẻ đẹp tâm linh trong đời sống văn hóa người Việt.

Lê Hiền (TTXVN)
Đề nghị Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương
Đề nghị Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 22/2 đã có văn bản số 93/VHCS-QLHĐLH gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về công tác tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN