Tự do súng đạn và hệ lụy

Nước Mỹ một lần nữa lại phải trải qua những giờ phút kinh hoàng khi một kẻ cuồng loạn bất ngờ xả súng từ tầng 32 của một khách sạn vào đám đông 22.000 người đang theo dõi lễ hội âm nhạc ngày 1/10 tại Las Vegas, bang Nevada.

Sự kiện đẫm máu này khiến dư luận một lần nữa lại “sục sôi” về vấn đề sở hữu và kiểm soát vũ khí ở quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ khi có ít nhất 59 người thiệt mạng và trên 500 người khác bị thương, song lại không phải lần đầu tiên nước Mỹ phải đối mặt với những kẻ cuồng sát cầm súng bắn vào đám đông người vô tội như vậy. Nhiều người chắc hẳn vẫn chưa thể quên được những hình ảnh đau thương trong khuôn viên đại học Virginia Tech ở thành phố Blacksburg, bang Virginia hồi tháng 4/2007 khi một sinh viên 23 tuổi xả súng vào các bạn học và thầy cô giáo khiến 32 người thiệt mạng, hay vụ thanh niên Adam Lanza, 20 tuổi, nổ súng bắn chết 20 trẻ em và 6 người lớn tại Trường Tiểu học Sandy Hook, thành phố Newtown, Connecticut hồi cuối năm 2012. Và gần đây nhất là vụ thảm sát ở một câu lạc bộ đêm ở thành phố Orlando, bang Florida, làm ít nhất 49 người chết và trên 50 người bị thương vào tháng 6/2016. Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng trăm vụ việc tương tự khác ở qui mô nhỏ hơn xảy ra trên khắp nước Mỹ.

Vậy điều gì khiến người dân Mỹ luôn phải ám ảnh với nạn bao lực súng đạn và tại sao chính phủ Mỹ vẫn chưa thể tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhất hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng này xảy ra? Rõ ràng ngoài những yếu tố và động cơ liên quan tới từng cá nhân những kẻ sát nhân thì việc luật pháp Mỹ cho phép người dân được quyền sở hữu súng đạn một cách tự do cũng là một nguyên nhân chính khiến cho những vụ xả súng hàng loạt dễ dàng xảy ra hơn.

Theo số liệu thống kê chính thức, với dân số vào khoảng 323 triệu người nhưng có tới trên 310 triệu khẩu súng do người dân Mỹ sở hữu, thậm chí có những người có trong tay cả chục khẩu súng các loại. Mặc dù nhiều người cho rằng việc sở hữu súng đạn là quyền Hiến định và đó là việc cần thiết để tự bảo vệ mình, song với số lượng súng đạn “khủng” như vậy trôi nổi trong xã hội thì hậu quả có thể xảy ra là không thể lường hết được, đặc biệt là nếu những khẩu súng đó được sở hữu bởi những kẻ tâm thần hay có động cơ man rợ thì những vụ thảm sát là điều khó tránh khỏi.

Chính phủ và giới chính trị thượng tầng Mỹ vẫn luôn nhận thức rõ về những hệ lụy khi không thể kiểm soát được việc sở hữu súng đạn tự do trong dân chúng, thậm chí trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Barack Obama đã từng nhiều lần đề cập đến vấn đề này, đồng thời kêu gọi Quốc hội ban hành luật kiểm soát súng đạn khi những vụ thảm sát liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, mỗi khi vấn đề này được đưa ra thì luôn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phe nhóm chính trị hùng mạnh ủng hộ việc sở hữu vũ khí, đặc biệt là trong Đảng Cộng hòa, được chống lưng bởi Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA).

Cần phải nhớ rằng ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng vô cùng to lớn trong nền chính trị nước Mỹ và NRA là một trong những tổ chức vận động hành lang giàu thế lực nhất nước Mỹ. Mỗi khi chính phủ có ý định đưa ra thảo luận vấn đề kiểm soát súng đạn là ngay lập tức NRA và các nhóm đồng minh lại mở chiến dịch vận động dữ dội để cản trở việc Quốc hội và các bang ở Mỹ thông qua luật hạn chế súng đạn. Thậm chí họ còn lập luận rằng để ngăn chặn một kẻ xấu có súng thì mỗi người tốt cần phải trang bị cho mình một khẩu súng.

Mặc dù sở hữu súng đạn đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của nước Mỹ và rất nhiều người Mỹ tự hào với việc mình sở hữu súng đạn, song trước những vụ xả súng liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, đặc biệt là vụ việc đẫm máu ở Las Vegas thì nhiều người cũng phải thừa nhận bạo lực súng đạn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng bậc nhất của nước này. Theo một khảo sát mới đây của công ty Gallup, 55% số người được hỏi mong muốn chính phủ phải siết chặt hơn luật kiểm soát súng đạn, trong khi có 47% số người cho rằng sẽ ít xảy ra các vụ việc tương tự như ở Las Vegas nếu các điều kiện sử dụng súng được siết chặt hơn.

Vấn đề kiểm soát súng đạn có lẽ sẽ vẫn là một đề tài tranh luận không có hồi kết ở Mỹ. Ngay bản thân đương kim Tổng thống Donald Trump, ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Las Vegas, mặc dù lên án mạnh mẽ hành động tàn ác của hung thủ, song ông vẫn khẳng định kiểm soát súng đạn không phải là vấn đề được đưa ra bàn thảo vào lúc này. Và chừng nào nước Mỹ chưa thể thay đổi được chính sách kiểm soát súng đạn thì các vụ xả súng tràn lan vẫn là nguy cơ hiện hữu mà bất cứ ai sinh sống trên lãnh thổ Mỹ cũng phải đối mặt.

Hoài Nam
Chưa xác định được động cơ gây án của hung thủ vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas
Chưa xác định được động cơ gây án của hung thủ vụ xả súng kinh hoàng tại Las Vegas

5 ngày sau khi xảy ra vụ xả súng tại Las Vegas được cho là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ, vẫn chưa rõ được động cơ gây án của hung thủ. Cơ quan chức năng đang nỗ lực điều tra, đồng thời kêu gọi người dân cung cấp các thông tin liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN