Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 vừa qua tại Crimea đưa quốc gia này sáp nhập vào Liên bang Nga, đã làm thay đổi bản đồ địa chính trị thế giới.
Quan hệ giữa Nga với phương Tây rơi vào giai đoạn băng giá nhất trong nhiều năm qua. Trong khi các cường quốc tranh cãi về tính hợp pháp của "quốc gia Crimea thuộc Nga" thì ở một nơi khác của châu Âu, người dân Serbia ngậm ngùi nhớ lại một sự kiện tương tự sáu năm về trước, sự ra đời của quốc gia độc lập Kosovo.
Trái với Crimea ngày hôm nay, tuyên bố độc lập năm 2008 của Kosovo ngày đó đã nhanh chóng nhận được sự công nhận của phương Tây, trong đó đi đầu là Mỹ với cái gọi là "ủng hộ quyền tự quyết của người dân Kosovo". Trong khi đó, Serbia, với nỗi đau của việc bị chia cắt, đã đề nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc đưa ra ý kiến tư vấn liên quan đến tuyên bố độc lập của Kosovo. Năm 2010, Tòa án Công lý Quốc tế đã kết luận tuyên bố của Kosovo là hợp pháp.
Khi người dân Crimea ủng hộ ly khai Ukraine và sáp nhập vào Nga, phương Tây ngay lập tức coi đó là sự vi phạm luật pháp, đe dọa đưa vấn đề ra Toà án Công lý Quốc tế. Tuy nhiên, giờ đây Mỹ và các đồng minh sẽ lập luận như thế nào khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu phương Tây chỉ ra sự khác biệt giữa Crimea với tiền lệ Kosovo sáu năm về trước.
Sự khác biệt duy nhất là các thế lực với những toan tính chính trị của mình. Kosovo, lúc đó thuộc Cộng hòa Serbia, là đích nhắm để Mỹ thực hiện kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông, đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát nách Nga. Chính vì vậy, lợi dụng mâu thuẫn giữa các dân tộc tại khu vực này, Mỹ đã nhanh tay can dự, với mục đích biến Kosovo làm bàn đạp để kiềm chế sức mạnh Nga.
Đổi ngược lại, việc Crimea tự nguyện sáp nhập vào Nga đã giúp cho Moskva nắm được một khu vực có vị trí chiến lược về quân sự, củng cố thêm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Rõ ràng, Washington không thể làm ngơ trước bất cứ sự thay đổi nào đe dọa tới vị thế quốc tế của mình. Vấn đề sẽ càng trở nên đặc biệt “nhạy cảm” hơn khi liên quan đến Nga, đối thủ đã từng cạnh tranh với Mỹ vị trí “cường quốc số một thế giới”.
Với Kosovo, Mỹ đã tranh thủ được sức mạnh quốc tế để đưa vùng đất này trở thành quốc gia độc lập. Giờ đây, đối với Crimea, Mỹ và Tây Âu một lần nữa tìm cách tận dụng sức mạnh quốc tế nhưng theo chiều hướng ngược lại, ngăn cản vùng đất này tuyên bố độc lập.
Tuy nhiên, luật pháp quốc tế không thể nào chỉ để phục vụ lợi ích chính trị của một số ít cường quốc. Nói cách khác, Mỹ và Tây Âu không thể áp đặt "tiêu chuẩn kép" của mình trong mọi vấn đề quốc tế. Chính vì vậy, có vẻ phương Tây cũng biết Crimea thực sự là một ván bài khó khăn đối với họ.
Cẩm Tuyến