Nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa trôi qua, có thể thấy công tác cán bộ - khâu “then chốt của then chốt” đã tiếp tục được nâng lên một bước; “xây” và “chống” được kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa hơn, gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung. Đáng chú ý, nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bị xử lý kỷ luật, bãi miễn chức vụ… một cách nghiêm minh, đúng quy định, có lý, có tình. Trong đó, có những quyết định chưa từng có tiền lệ, cho thấy sự song hành giữa nói và làm của Đảng ta trong công tác cán bộ, thực sự “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.
Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống”…
Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư càng cho thấy sự cầu thị, thái độ nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực thi trách nhiệm của từng đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kể từ đầu nhiệm kỳ, tiếp tục đưa công việc này trở thành nề nếp, là việc làm thường xuyên ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị.
Điều này cũng một lần nữa đáp trả những luận điệu xuyên tạc cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là cơ hội để “phe cánh” hạ thấp uy tín cán bộ, trong khi trên thực tế, đây là việc tự soi, tự sửa, giúp cho mỗi cán bộ không ngừng nâng cao ý thức và nêu gương tu dưỡng, rèn luyện. Tương tự như vậy, việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, suy thoái không hề làm Đảng suy yếu hay làm nhụt chí cán bộ, mà ngược lại góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng và đặc biệt là được nhân dân hết lòng ủng hộ. Đây cũng chính là những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay, thậm chí ở một khía cạnh nào đó có thể đánh đổi với sự trễ lại của đà tăng trưởng kinh tế, chứ nhất định không thể “thả nổi” để tình trạng đó âm ỉ kéo dài, gây nên sự mục ruỗng hàng loạt như những gì vừa xảy ra liên quan đến vụ án đăng kiểm, chuyến bay giải cứu, Việt Á…
Từ đó, công tác cán bộ theo Nghị quyết của Đại hội XIII tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, đặc biệt với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, nhất là về trách nhiệm nêu gương, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cán bộ, chống suy thoái. Đồng thời, công tác cán bộ phải gắn với thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị, thể hiện vai trò tiên phong của người đảng viên, không thoái lui, có tư tưởng bàn lùi trước khó khăn, thách thức, hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhắc lại: “Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”.
Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII nêu rõ: Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân.
Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng…
Như vậy, qua đây có thể thấy khâu “then chốt của then chốt” tiếp tục được Đảng chú trọng như một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo. Ở đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không ngừng, không nghỉ, trong đó tập trung chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - mấu chốt dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến sự sa ngã. Việc tiếp tục nổi những “ngọn lửa” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ càng củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng và chế độ.
Bước sang nửa cuối nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bắt đầu định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội Đảng XIV với những mục tiêu quan trọng vào năm 2030 - dấu mốc 100 năm thành lập Đảng. Công tác cán bộ trong thời gian vừa qua đã củng cố niềm tin là những người thực sự có đức, có tài thì luôn có cơ hội được cống hiến cho dân, cho nước, đồng thời tiếp tục “tuyên chiến” mạnh mẽ, cảnh báo những kẻ cơ hội chính trị núp bóng và mạo danh nhân dân thì ắt sớm hay muộn cũng sẽ bị loại bỏ.