Nghị quyết 18 năm 2017 của Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả đã được triển khai trong 7 năm qua. Nhưng có thể nói chưa khi nào, động lực và quyết tâm tinh gọn bộ máy lại sôi sục, quyết liệt như hiện nay.
Theo nghị quyết 18, trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức hành chính nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế. Việc giảm biên chế cũng được đặt lên hàng đầu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược. Các bộ, ngành chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ.
Vào tháng 3/2023, Bộ Chính trị lại ban hành Thông báo 50 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 18. Và bốn tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99 về Chương trình hành động nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, chúng ta đã đạt được một số kết quả, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, như Tổng bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, đến nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ; Một số bộ ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo; Phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ; Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng "bộ trong bộ"; và việc tinh giản biên chế mới giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Lúc này, trước ngưỡng cửa “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc, vấn đề tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy rất cần một “cú hích” mạnh mẽ, để toàn hệ thống chính trị bước vào một giai đoạn mới với nhiều xung lực, quyết tâm thực hiện triệt để, hiệu quả chủ trương của Đảng ta. Trong bối cảnh đó, bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và các chỉ đạo liên tiếp về vấn đề này của Tổng Bí thư Tô Lâm đóng vai trò như một “cú hích”, một “tiếng trống lệnh”, để toàn hệ thống chính trị đặt quyết tâm cao, làm “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy.
Bên cạnh việc “bắt đúng bệnh” của bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, bài viết của Tổng bí thư đã định hướng 3 công tác trọng tâm nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đó là xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Đặc biệt, yêu cầu tinh gọn bộ máy đã được Tổng bí thư Tô Lâm đặt ra trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bao gồm: Cải tiến phương thức lãnh đạo của đảng; Tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân; Tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Chuyển đổi số; Chống lãng phí; Cán bộ; và kinh tế. Theo Tổng Bí thư, để đạt được những mục tiêu chiến lược vào thời điểm 100 năm Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm lập nước không chỉ đòi hỏi "những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi".
“Tiếng trống lệnh” mở màn giai đoạn cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được vang lên, rõ ràng đồng nhịp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm trở thành lời hiệu triệu cho cả đất nước ta. Chủ trương của Đảng sẽ không chỉ nằm trên giấy, hay trong những lời phát biểu, mà luôn đi đôi với hành động, mà phải là hành động “vừa chạy vừa xếp hàng”, nghĩa là phải hành động ngay ở mọi khâu, mọi cấp, mọi thể chế, không có việc nào chờ việc nào, không chờ thể chế hoàn thiện rồi mới hành động việc cụ thể.
Trước lời hiệu triệu đó, toàn thể cán bộ, nhân dân ta càng đặt thêm niềm tin và sự kỳ vọng rằng, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Đảng sẽ tạo ra bước đột phá, tạo sự chuyển biến nhanh chóng, hiệu quả “trông thấy” về sự tinh gọn bộ máy, góp phần thúc đẩy đất nước ta vững bước trong “kỷ nguyên vươn mình”, với đích đến là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Tinh gọn bộ máy là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, nhưng với tâm thế và sự quyết liệt của người đứng đầu, niềm tin và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chắc chắn cuộc cách mạng này sẽ thành công.