Bài viết đã nhấn mạnh những yếu tố cốt lõi trong công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước hiện nay để đem lại lợi ích cho nhân dân; từ đó, Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong tương lai.
Gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ
Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, vấn đề tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng nước ta trong tình hình mới, giúp đất nước vững bước trên con đường của kỷ nguyên phát triển, "kỷ nguyên vươn mình" của dân tộc.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát, bài viết của Tổng Bí thư đã đúc kết lý luận và thực tiễn nước ta; khẳng định tầm quan trọng to lớn của năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu năng của hệ thống chính trị. Lịch sử đất nước cho thấy, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt, tạo điều kiện cho nhân dân làm chủ, khi được vận hành thông suốt, là nhân tố quyết định bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Để tinh gọn bộ máy chính trị, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát cho rằng, cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mang tính tổ chức cao, tập trung thống nhất và phân công, phân cấp theo phạm vi không gian và nhiệm vụ chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên nâng cao hiệu quả thực hiện vai trò đại diện nhân dân, để tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được thực hiện trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Là Phó Bí thư Chi bộ, đảng viên 25 năm tuổi Đảng tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Khoát khuyến nghị, công tác tinh gọn bộ máy phải gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thì mới đảm bảo được sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nâng cao công tác quản lý, đánh giá, tuyển dụng và sử dụng biên chế; thực hiện tốt đề án vị trí việc làm, có quyết sách tiền lương phù hợp để sử dụng, trọng dụng được người có tài, có tâm huyết với công việc, cương quyết đưa ra khỏi bộ máy chính trị những cán bộ không làm được việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…
Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "chính quyền đô thị"
Theo ông Lâm Bình Sản, Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ phường Ngọc Hà, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ những yếu kém, tồn tại của hệ thống chính trị cần phải khẩn trương khắc phục để lãnh đạo, quản lý, thực hiện được mục tiêu, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra như: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng... Đồng thời, bài viết định hướng 3 công tác trọng tâm nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đó là xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh.
Đánh giá về công tác tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" được Tổng Bí thư đề cập trong bài viết, ông Lâm Bình Sản cho rằng, bài viết tập trung những nội dung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bài viết cũng yêu cầu, quá trình tổng kết Nghị quyết 18 phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn, bởi có khách quan, khoa học, cụ thể thì mới đánh giá đúng, chính xác tình hình và kết quả đạt được; có dân chủ thì mới phát huy được trí tuệ tập thể trong công tác tổng kết.
Đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, ông Lâm Bình Sản cho rằng, trước hết cần quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là cơ chế chung trong quản lý xã hội" mà Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986). Cùng với đó, chỉ rõ trách nhiệm giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của các cơ quan Nhà nước; đổi mới về thể chế có ý nghĩa quyết định, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu; đổi mới từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Đồng thời, cần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; trong đó, Đảng cần lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện của xã hội trong xây dựng chủ trương, đường lối, nâng cao công tác quản lý của Nhà nước...; trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan theo hướng Bộ, ngành, cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm thực hiện một số lĩnh vực được giao.
Đối với cấp cơ sở như phường Ngọc Hà, nơi ông Lâm Bình Sản làm việc và sinh hoạt Đảng, để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, ngoài những giải pháp trên, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "chính quyền đô thị" gắn với chuyển đổi số; mạnh dạn nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn trong tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; khoán Quỹ lương cho bộ máy trên cơ sở năng suất lao động trung bình tiên tiến trở lên. Cùng với đó, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức phục vụ nhân dân của các công chức, viên chức theo hướng tự đào tạo là chính và đánh giá định kỳ 6 tháng, 1 năm kết quả hoàn thành nhiệm vụ thông qua dư luận, ý kiến của người dân.