Phải thấy rằng, tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực được đặt ra từ rất lâu, hiện vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Ở khía cạnh khác, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường ngày một nhiều (72.000 cử nhân đang trong tình trạng thất nghiệp), trong khi công nhân có tay nghề, đáp ứng được yêu cầu của công việc thì luôn thiếu.
“Cửa đại học càng rộng mở, thì cơ hội tìm việc làm càng thu hẹp” - một đại biểu Quốc hội đã nhận xét như vậy, và trên thực tế, có vị trí việc làm chỉ cần người có trình độ trung cấp, hoặc sơ cấp, thế nhưng phần lớn hồ sơ đăng ký tuyển dụng là người có trình độ đại học. Sự việc vừa nêu đã cho thấy sự lãng phí lớn về đào tạo, trong khi một người tốt nghiệp đại học chưa chắc đã làm việc tốt hơn người tốt nghiệp trung cấp. Tuy nhiên, sự bất cập trên cũng có nguyên nhân của nó, khi mà khuynh hướng tuyển dụng nhân sự có trình độ cao hơn nhu cầu công việc, đặc biệt trong khối các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ gây thất vọng cho những thí sinh không đăng ký dự thi vào các trường đại học, mà theo học các trường dạy nghề. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, việc đào tạo nghề là đáp ứng yêu cầu nhân lực cho nhiều thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, khi hình thành thị trường lao động, thì độ chênh và sự không khớp giữa cung và cầu đã gây sự lãng phí lớn trong đào tạo nguồn nhân lực. Và đây cũng chính là nguyên nhân của tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Vấn đề đặt ra cần có những quy định để tạo ra sự đồng bộ giữa dạy nghề và tạo việc làm, mà muốn giải quyết được vấn đề này thì cần phải quy về một mối giữa công tác đào tạo nghề với công tác đào tạo trình độ đại học, cao đẳng (hiện nay Bộ LĐTB-XH quản lý hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng); còn Bộ GDĐT quản lý hệ thống trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng). Điều này không chỉ dẫn tới sự phân tán, chồng chéo trong quản lý, điều hành, lãng phí đầu tư, phân bổ nguồn lực; mà còn gây khó khăn trong tổ chức đào tạo và trùng lặp về ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, sự khác biệt trong chương trình đào tạo dẫn tới khó khăn trong liên thông, công nhận kết quả học tập giữa các trình độ, việc chuẩn hóa trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Kết quả một số cuộc thi tay nghề ASEAN những năm gần đây cho thấy, Việt Nam luôn trong top đầu. Đặc biệt, trong cuộc thi tay nghề ASEAN gần đây nhất, Việt Nam giành giải nhất toàn đoàn, xếp trên cả Malaysia, Singapore, Thái Lan. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực của chúng ta rất có tiềm năng. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng lao động của người Việt Nam lại chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, thì năng suất lao động của người Việt Nam kém Singapore 15 lần, kém Malaysia 5 lần và chỉ bằng 2/5 so với Thái Lan.
Bất cập nêu trên, rõ ràng có nguyên nhân từ chất lượng đào tạo, hệ thống dạy nghề của chúng ta chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong xu thế hội nhập hiện nay.