Thời điểm và hành động

Quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama về kế hoạch rút quân từng phần khỏi Ápganixtan đến năm 2012, đã mở đầu cho phản ứng dây chuyền khi hàng loạt quốc gia khác như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, CH Séc, Canađa lần lượt công bố các kế hoạch rút quân khỏi chiến trường này. Lý do công khai mà các nước rút quân đưa ra là tình hình Ápganixtan có tiến triển và đã đến lúc người Ápganixtan gánh vác trách nhiệm bảo đảm an ninh của đất nước mình.

Binh sĩ Mỹ tuần tra tại tỉnh Khost, miền đông Ápganixtan ngày 22/6. AFP/TTXVN


Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia hàng đầu, việc một loạt quốc gia đẩy nhanh kế hoạch rút quân có thể làm thay đổi cục diện tình hình Ápganixtan, và họ hoài nghi liệu quân đội Cabun đã đủ lớn mạnh để có thể thực sự trụ vững trước làn sóng phản công của lực lượng Hồi giáo Taliban.

Có vẻ gần 10 năm tham chiến đã đủ để liên quân hiểu rằng chỉ sức mạnh quân sự thì không đủ để đem lại một nền hòa bình toàn diện cho Ápganixtan. Chính vì vậy, từ quan điểm dùng quân sự, Mỹ và các đồng minh đã buộc phải quay sang kết hợp sử dụng các sáng kiến hòa giải, thuyết phục Taliban đàm phán với hy vọng tìm đến một kết cục khả quan cho cuộc chiến dai dẳng. Từ góc độ này, có thể xem các cam kết về giảm bớt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ápganixtan là một trong những động thái cần thiết nhằm tạo không khí thuận lợi cho việc khởi động các cuộc "đàm phán cho đàm phán".

Yếu tố quan trọng khác chính là tâm lý mệt mỏi của người dân ở những quốc gia có quân tham chiến tại Ápganixtan và các khoản chi tiêu khổng lồ dành cho lực lượng này. Chỉ riêng Mỹ, quốc gia đóng góp quân số lớn nhất Ápganixtan, đã tiêu tốn hơn 500 tỷ USD và mất hơn 1.500 binh sĩ trong 9 năm rưỡi có mặt tại chiến trường này. Đối với đương kim Tổng thống Barack Obama, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (2012), rõ ràng ông không thể không lo ngại khi kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người Mỹ ủng hộ việc sớm rút quân khỏi Ápganixtan ở mức cao nhất.

Có thể nói, đối với các nước tham chiến tại Ápganixtan, đặc biệt là Mỹ, trong thời điểm hiện nay, việc công bố các kế hoạch rút quân là cần thiết. Tuy nhiên, một khi thời điểm nhạy cảm đã qua, liệu Mỹ và các đồng minh có thay đổi kế hoạch, kéo dài thời hạn đóng quân với lý do "theo yêu cầu của tình hình" hay không. Có vẻ như khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì cho đến nay, ngoại trừ Canađa đã rút phần lớn quân về nước, thì Mỹ và các quốc gia khác đều chọn giải pháp rút dần quân về nước trong nhiều năm. Theo tính toán của các chuyên gia, kể cả sau khi thực hiện kế hoạch rút 33.000 quân đến năm 2012, nước Mỹ vẫn còn gần 70.000 quân ở Ápganixtan, nhiều gấp hai lần so với số quân đóng tại quốc gia này vào thời điểm Tổng thống Obama nhậm chức hồi tháng 1/2009.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN