Theo thống kê của ngành chức năng, hàng năm ước tính khoảng 16 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, nhưng năm nay, vì dịch COVID-19 mà họ chuyển sang du lịch trong nước. Nhiều chuyên gia và nhà quản lý lĩnh vực này cho rằng, đây là cơ hội để du lịch nội địa tăng trưởng trở lại, vượt qua cơn suy thoái sau đại dịch. Vấn đề là khai thác và tổ chức thực hiện ra sao mà thôi.
Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, du lịch chưa trở thành nhu cầu và thói quen của nhiều cá nhân, gia đình. Nhưng vài năm trở lại đây, khi mức sống được nâng lên, du lịch trở thành nhu cầu, thậm chí với những gia đình có điều kiện, nó trở thành nhu cầu thiết yếu, thì chất lượng dịch vụ trở thành mối quan tâm, cũng là một trong những thước đo của mỗi điểm đến, cũng là động lực để kích thích người dân đi du lịch.
Tuy nhiên, để kích cầu du lịch nội địa, thì giảm giá thôi chưa đủ, mà các doanh nghiệp cũng như các địa phương có điểm tham quan, cần phải chú trọng đến nâng cấp chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày cao của du khách. Mà muốn làm được điều đó, thì nỗ lực của riêng ngành du lịch, một doanh nghiệp lữ hành, một địa phương thôi chưa đủ. Nó đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ sở du lịch, các địa phương. Một công ty lữ hành hay một nhóm công ty lữ hành không thể tạo ra được sản phẩm du lịch hoàn hảo, bởi du lịch là sản phẩm liên ngành, liên vùng, với nhiều loại dịch vụ khác nhau.
Trong bối cảnh, các địa phương đồng loạt kích cầu du lịch nhằm thu hút được lượng nhiều khách nhất, thì đây sẽ là một cuộc cạnh tranh sòng phẳng, không chỉ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, mà còn là sự cạnh tranh giữa các địa phương với nhau. Con người thân thiện, an toàn giao thông, trật tự an ninh được bảo đảm…, thì chắc chắn nơi đó sẽ được nhiều người lựa chọn.
Lãnh đạo địa phương nào quan tâm chỉ đạo, đưa ra được các quyết sách hợp lý, hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thì địa phương đó sẽ chiếm ưu thế. Sản phẩm du lịch không chỉ là các danh lam thắng cảnh, môi trường, sản vật, ẩm thực của địa phương, mà còn là cung cách phục vụ, lòng mến khách, thực sự coi du khách là “thượng đế”. Nhưng đâu đó, hành động chụp giật trong kinh doanh du lịch vẫn là nỗi nhức nhối, tồn tại nhiều năm tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước, mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Thường vào dịp cao điểm của mùa du lịch, lãnh đạo nhiều địa phương cam kết tăng cường kiểm tra, giám sát, không để du khách bị “chặt chém”, nghiêm cấm các nhà hàng, khách sạn tăng giá dịch vụ… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương vẫn không kiểm soát nổi, các dịch vụ liên quan thoải mái nâng giá, du khách dù bực mình nhưng buộc phải chấp nhận. Có quy luật bất thành văn, khách càng đông các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch càng tăng giá; khách càng nhiều, “chặt chém” càng mạnh hơn.
Ngay tại những trung tâm du lịch lớn, việc chèo kéo, ép khách mua hàng vẫn thường xảy ra. Hình ảnh thường thấy là tại các trung tâm, các điểm du lịch, những người bán hàng rong bu lấy du khách ngay cửa xe. Có công ty du lịch than phiền trung bình mỗi tháng họ tiếp nhận khiếu nại của gần chục khách du lịch nước ngoài bị các chủ nhà hàng “móc túi”. Thực tế, hành vi chèo kéo, "chặt chém", bám khách, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai... từng xảy ra tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong cả nước và có không ít du khách trở thành nạn nhân của tình trạng này. Nhẹ thì bị ép giá, mua phải hàng dỏm, hàng giả; nặng thì bị lừa gạt, bị móc túi tiền bạc, tư trang…
Có rất nhiều giải pháp được đưa ra, như sự nỗ lực, phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành du lịch để tạo môi trường thân thiện cho du khách. Tuy nhiên, để môi trường du lịch thật sự trong sạch, có lẽ chỉ hô hào thôi chưa đủ, mà cần có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết và triệt để nhằm làm thay đổi căn bản ý thức làm du lịch chộp giật.
Trước hết, phải loại bỏ thói kiếm tiền bất chính, trục lợi ngay tại cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Việc làm trong sạch, lành mạnh môi trường du lịch, góp phần xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách, phải từ những chuyện nhỏ như một nụ cười thân thiện, bán đúng giá, nhà vệ sinh đạt chuẩn... Muốn thế cần sự sâu sát và trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, sự dốc lòng dốc sức của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là sự cộng tác của người dân ở các điểm du lịch.