Tại châu Âu, châu lục “điểm nóng” thứ hai sau khi dịch khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, một loạt các chính phủ đã thông báo lộ trình mở cửa lại đường biên giới quốc gia nhằm khơi thông huyết mạch kinh tế vốn đã đình trệ từ hơn 3 tháng qua. Chính phủ Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu, quyết định sẽ mở cửa biên giới với công dân các nước Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) và Thuỵ Sĩ từ 15/6 nếu tình hình tiếp tục duy trì đà cải thiện. Hy Lạp mạnh dạn tuyên bố mở cửa biên giới với 29 quốc gia châu Âu từ 10/6 nhằm đi đầu đón lượng khách du lịch trở lại nước này. Trong khi đó, Italy, nơi đại dịch bùng phát nghiêm trọng đầu tiên ở châu Âu, sẽ mở cửa lại biên giới ngay từ ngày 3/6 đón các công dân EU mà không cần phải cách ly. Thủ tướng Italy, Giusepse Conte tuyên bố trong bài phát biểu quốc gia hôm 30/5: “Chúng ta đang đối mặt với một rủi ro đã được tính toán, với nhận thức rằng đường cong dịch có thể lại đi lên. Nhưng chúng ta phải chấp nhận điều đó, nếu không ta sẽ không bao giờ có thể khởi đầu lại được”. Cùng chung tinh thần đó, một loạt nước châu Âu đã lên kế hoạch đồng loạt mở lại biên giới vào ngày “D-Day Mới” 15/6, bao gồm Pháp, Đức, Séc, Thuỵ Sĩ, Hungary, Ba Lan, Romania, Serbia, Áo, Litva. Một số quốc gia quyết định đi trước như Cyprus (1/6), Bulgaria vào 10/6, trong khi các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan lựa chọn “đi sau” vào 22/6; Bỉ, Thuỵ Điển, Belarus lùi hẳn lịch mở cửa biên giới tới 1/7.
Tại châu Á, sau những bước đi mở cửa lại nền kinh tế xã hội trong nước, Trung Quốc cũng đang thận trọng lên kế hoạch mở lại các đường biên giới kể từ ngày 1/7. Chính phủ Hàn Quốc đã lên thời gian biểu tương tự, trong khi Nhật Bản thận trọng “thăm dò” với kế hoạch mở lại biên giới với một số quốc gia “an toàn” như Việt Nam, Thái Lan, New Zealand, Australia, mặc dù chưa công bố thời điểm cụ thể.
Những lợi ích kinh tế to lớn của việc mở cửa lại biên giới là điều ai cũng có thể thấy rõ. Cuộc khủng hoảng y tế đang dần được khống chế, nhưng hậu quả tức thời và lâu dài của nó là một loạt các cuộc khủng hoảng năng lượng, việc làm, tài chính, du lịch... lại đang kéo lùi cả các nền kinh tế vững mạnh nhất, và làm suy sụp các nền kinh tế còn khó khăn trên thế giới. Việc các biên giới đường bộ, đường thuỷ và đường không được mở lại sẽ lập tức khơi thông huyết mạch kinh tế, kích hoạt trở lại các dòng chảy hàng hoá, dịch vụ, tài chính tiền tệ.
Tuy nhiên, SARS-CoV-2 là một loại virus độc hại và khó lường, mà các nhà khoa học đã cảnh báo sẽ không bao giờ biến mất trên Trái đất. Việc một số quốc gia bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế và lập tức chứng kiến các ổ lây nhiễm mới, là minh chứng cho thấy virus này vẫn ẩn mình trong cộng đồng và thừa cơ hội để tiếp tục tấn công trở lại. Hàn Quốc mới đây đã phải đóng cửa trên 500 trường học ở vùng thủ đô Seoul chỉ sau vài ngày mở lại khi xuất hiện cụm lây nhiễm mới. Trước đó, giữa tháng 5 vừa qua Trung Quốc đã chứng kiến một làn sóng dịch thứ hai khiến trên 100 triệu dân ở khu vực Đông Bắc nước này bị phong toả trở lại. Thành phố Vũ Hán, tâm dịch ban đầu, đã phải khẩn cấp thực hiện xét nghiệm lại cho toàn bộ 11 triệu dân sau khi ghi nhận một chùm lây nhiễm cộng đồng.
Mở cửa lại biên giới là điều tất yếu sau khi các quốc gia đã dần thiết lập được một trạng thái “bình thường mới” ở trong nước. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những điều kiện khác nhau, cơ hội và thách thức khác nhau, vì thế vì việc quyết định thời điểm mở cửa lại cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những rủi ro nảy sinh là vấn đề sống còn đặt trọng trách lên vai các nhà lãnh đạo.
Việt Nam chúng ta đã trở thành một điểm sáng, thậm chí được thế giới ca ngợi như một hình mẫu về thành công trong kiểm soát đại dịch COVID-19 với chi phí khiêm tốn. Mặc dù vậy, những thiệt hại kinh tế do việc đình trệ hoạt động giao thương, đi lại quốc tế chắc chắn là không hề nhỏ. Chính vì thế, ngay từ khi kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép mở cửa lại nhiều cửa khẩu phụ với các nước láng giềng nhằm sớm khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hoá qua biên giới, đặc biệt là với đối tác quan trọng Trung Quốc. Thủ tướng cũng cho phép các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng và đảm bảo tối đa công tác phòng dịch, có thể chủ động mở lại các cửa khẩu phụ phục vụ mục đích trao đổi hàng hoá. Trong khi đó, do những rủi ro khó lường từ việc mở cửa bầu trời, Chính phủ ta vẫn chưa quyết định thời điểm sẽ nối lại các đường bay quốc tế dù đã khôi phục hoàn toàn các đường bay nội địa.
Những đường biên giới mở trong thời đại “thế giới phẳng” chính là cơ hội để dịch COVID-19 càn quét toàn cầu. Vì thế lúc này, trong khi thận trọng kiểm soát các cửa ngõ để tránh rủi ro lây lan dịch bệnh, việc cần thiết phải làm đó là các doanh nghiệp trong nước cần tích cực chuẩn bị mọi điều kiện sản xuất, hàng hoá, dịch vụ để sẵn sàng đáp ứng khi thị trường quốc tế được khơi thông và dự kiến sẽ hồi phục mạnh nhờ những gói kích thích kinh tế nhiều tỉ USD. Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19, Việt Nam một lần nữa nổi lên là một lựa chọn an toàn và tiềm năng trong chiến lược chuyển hướng của nhiều doanh nghiệp Âu, Mỹ. Đó cũng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước nhà.
Kiểm soát được thách thức và nắm bắt hiệu quả cơ hội, đó là những gì chúng ta cần tập trung, thay vì nôn nóng trước một kẻ thù nguy hiểm.