Thấp thỏm thưởng Tết

Đã thành lệ, cứ dịp cuối năm là rộ lên chuyện thưởng Tết. Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp đều có kế hoạch thưởng Tết Quý Tỵ, với mức thưởng bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người (bằng 3/4 tháng lương), tăng khoảng 8,7% so với Tết Nhâm Thìn. Một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai công bố mức thưởng cao nhất lên tới 650 triệu đồng.

Nhưng đó mới là thông báo từ các doanh nghiệp, còn số tiền thực tế đến tay người lao động bao nhiêu thì vẫn phải đợi. Hơn nữa, số liệu trên mới chỉ dựa trên báo cáo của hơn 3% doanh nghiệp trong nước.


Sau một năm làm việc vất vả, khi ngày Tết Nguyên đán ngày càng cận kề, thì người lao động tại các doanh nghiệp càng nóng lòng chuyện thưởng Tết. Với nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mối quan tâm của họ lúc này là lo trả nợ ngân hàng, sau đó mới đến thưởng Tết; dù họ hiểu rằng, chăm sóc đời sống cho người lao động là hết sức quan trọng. Với những doanh nghiệp ít phải vật lộn với cơn bão tài chính, thì họ nỗ lực bằng hình thức này hay hình thức khác để lo Tết cho người lao động. Còn với người lao động, thưởng Tết với họ là một nguồn khích lệ đáng kể, nguồn động viên lớn sau một năm lao động vật vả; cũng là cơ hội để họ cải thiện cuộc sống gia đình trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Người lao động có thu nhập ở mức khiêm tốn, thì tiền thưởng Tết thực sự là một cứu cánh, bởi có không ít khoản bắt buộc phải chi như mua hàng Tết, sắm quần áo mới cho con; người thì trích một phần ít ỏi gửi về quê cho cha mẹ nghèo... Có người chỉ ấp ủ là có đủ tiền xe để về quê ăn Tết…


Nhiều lao động trên các công trình xây dựng, giao thông, các doanh nghiệp,… khi được hỏi về thưởng Tết đều cho rằng, là không đáng kể. Có doanh nghiệp công bố thưởng Tết bằng tiền mặt một cách tượng trưng, mà chủ yếu là quà bánh. Một số doanh nghiệp có “sáng kiến” thưởng Tết bằng chính các sản phẩm do đơn vị sản xuất, như bánh kẹo, bếp gas, bàn là... Với những doanh nghiệp này, mang tiếng là thưởng Tết, thực tế là họ tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm tồn kho, sản phẩm khó bán trên thị trường. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn có chủ trương “thưởng Tết” bằng kỳ nghỉ phép…, trong khi người lao động lại rất sợ bị đứt việc (nghỉ việc đồng nghĩa với không có thu nhập)!


Về bản chất, tiền thưởng Tết có thể được coi là một món quà mà chủ doanh nghiệp dành cho người lao động, nhưng cũng có thể là một hình thức trả lương bổ sung; cũng có thể đây là phần lương mà chủ doanh nghiệp giữ lại và chờ vào dịp Tết mới trả cho người lao động. Vì vậy, dù cho là tiền thưởng Tết, nhưng thực chất đó là số tiền của chính người lao động được doanh nghiệp tích lại, sau đó biến tướng thành… tiền thưởng Tết!


Dù không quy định chính thức, nhưng truyền thống của người Việt là rất coi trọng Tết cổ truyền, vì vậy thưởng Tết cũng được coi là nguồn động viên cần thiết để người lao động gắn bó với nghề, gắn bó với doanh nghiệp. Được thưởng bao nhiêu, cách thưởng như thế nào, người lao động phụ thuộc hoàn toàn vào các chủ doanh nghiệp. Rồi chuyện thưởng Tết không công bằng khiến nhiều lao động cảm thấy chạnh lòng và thiếu được tôn trọng...


Thực tế, thưởng Tết dù có tăng bao nhiêu chăng nữa, thì cũng chưa thể bù cho sự trượt giá. Bởi theo quy luật, thường vào dịp Tết, phần lớn các gia đình, dù giàu hay nghèo đều có nhu cầu mua sắm, bên cạnh đó lượng tiền lưu thông cũng được tung ra nhiều hơn, và đây chính là yếu tố đẩy giá các mặt hàng phục vụ Tết tăng cao.
Như vậy, việc thưởng Tết không chỉ phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, mà còn tùy thuộc rất nhiều vào lương tâm, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng; cũng không thể tính chuyện thiệt hơn. Hy vọng những người lao động nghèo sẽ có một cái Tết ấm áp.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN