Tách bạch giá điện

Những ngày gần đây, dư luận dành nhiều sự quan tâm đến Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan và người dân nhằm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 tới.


Theo EVN, phương án biểu giá điện mới theo hướng đơn giản, tiện lợi cho cả người dân và ngành điện. Tuy nhiên, vấn đề giá điện và cách tính tiền điện vẫn là nỗi băn khoăn của dư luận.

Xin tóm tắt 3 phương án sắp được EVN nêu trong đề án: Giá điện sẽ được giữ nguyên với 6 bậc thang như hiện hành (phương án 1). Chỉ có một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh - mức giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành (phương án 2). Rút biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc (phương án 3). Theo EVN, biểu giá điện mới được xây dựng dựa trên các yếu tố: Phù hợp với thiết kế của thị trường bán buôn điện; chi phí mua điện trên thị trường; các thông số đầu vào trên thị trường như giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn huy động... của đơn vị điện lực, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được tiếp tục hỗ trợ tiền điện phục vụ mục đích sinh hoạt. Biểu giá điện bán lẻ phản ánh theo quy luật cung cầu trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Khi đề cập đến giá điện, trong tiềm thức của nhiều người, giá điện chưa được tách bạch rõ ràng, chỉ tăng chứ không giảm, thể hiện sự độc quyền... Thực tế đúng như vậy, cả trong bối cảnh ngành điện kinh doanh đã có lãi. Nếu tính từ năm 2011 trở lại, giá điện đã được điều chỉnh tăng 6 lần, có những năm tăng tới 2 lần (2011, 2012), mỗi lần tăng thêm 5%. Đặc biệt năm 2014, EVN đã đề xuất phương án tăng giá điện lên tới 9,5%. Vậy mà, cũng năm 2014, lãnh đạo EVN đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý, trong đó có con số lỗ 16.800 tỷ đồng. Càng giật mình khi EVN cho biết các chi phí đầu vào đã tăng rất lớn và chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành. Vẫn với điệp khúc, phải tăng giá điện là do thu không đủ bù chi, vì giá nguyên liệu tăng (giá than) và cần vốn phát triển ngành điện... Vậy những lý do mà ngành điện đưa ra liệu có chính đáng? Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố mới đây cho thấy, EVN không chỉ sai phạm trong việc đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ, mà còn hạch toán nhiều khoản chi sai, không đúng mục đích vào giá bán điện, khiến giá điện tăng một cách bất hợp lý, gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Dư luận cho rằng, nếu EVN không có giải pháp đúng đắn nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, sắp xếp lại bộ máy đang hết sức cồng kềnh, đổi mới kinh doanh, giải quyết hậu quả đầu tư ngoài ngành... thì khó mà hy vọng vào sự minh bạch của giá điện và chất lượng dịch vụ mà ngành điện cung cấp cho khách hàng. Với góc độ người tiêu dùng, họ càng chưa thể yên tâm khi những “lỗ hổng” của ngành điện chậm được khắc phục, như chi phí đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động thấp, tổn thất điện năng cao, nhân viên của ngành thiếu trách nhiệm trong đo đếm công tơ, công tơ điện sai... Minh chứng là vào thời điểm nắng nóng vừa qua, nhiều hộ gia đình bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện tăng vọt. Hỏi nhân viên thu tiền điện thì nhân viên này cũng ú ớ, giải thích thiếu trách nhiệm...

Người tiêu dùng không trông chờ giá điện rẻ, mà chỉ mong sự rạch ròi, cạnh tranh và chất lượng dịch vụ phải tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Việc lấy vốn đầu tư xây nhà ở công nhân, biệt thự cho quan chức của ngành, rồi tính vào giá thành điện là không thể chấp nhận, cần phải được làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Các ý kiến bức xúc xoay quanh việc cùng với sự tăng giá điện, thì sự minh bạch trong tính giá điện vẫn chưa được giải quyết. Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nếu EVN không thể rõ ràng trong chi phí sản xuất cũng như nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất điện năng... thì tình trạng tăng giá điện sẽ còn mãi tiếp diễn. 

Yến Nhi
Điều chỉnh cách tính giá điện để tạo sự đồng thuận
Điều chỉnh cách tính giá điện để tạo sự đồng thuận

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố dự thảo phương án tính biểu giá bán lẻ điện mới để lấy ý kiến các nhà khoa học, người tiêu dùng để tổng hợp trình Bộ Công Thương và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN