Mỗi ngày nước ta có khoảng 6.000 – 7.000 F0 khỏi bệnh. Với khả năng miễn dịch trước COVID-19 tiếp tục duy trì trong khoảng 6 tháng, họ có thể trở thành lực lượng hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân rất lớn, góp phần giảm bớt áp lực đang đè nặng lên đội ngũ y tế.
Tại Bệnh viện Điều trị COVID -19 Củ Chi, nhiều người biết đến bệnh nhân Hà Ngọc Trường (SN 1993, ngụ tại Quận 1, TP.HCM), người đã trải qua 30 ngày chống chọi với COVID-19 và được các bác sĩ hồi sinh. Chứng kiến các y bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, làm việc không nghỉ đến mức gần như kiệt sức, nỗ lực giành giật mạng sống cho hàng trăm F0 nặng, Trường thực sự thấy lòng day dứt. Ngay khi đủ điều kiện xuất viện, anh đã xin ở lại để hỗ trợ chăm sóc những bệnh nhân đang điều trị. Được hướng dẫn cách chăm sóc cơ bản cho người bệnh và bảo vệ bản thân, mỗi ngày Trường đều đi khắp các phòng bệnh để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình ôxy của họ để xem ai cần gì sẽ trợ giúp ngay. Hơn 20 ngày ở lại, anh cảm thấy cuộc sống của mình đầy ý nghĩa vì đã được góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến đấu với dịch bệnh.
Những F0 khỏi bệnh như Hà Ngọc Trường đang là một lực lượng đầy tiềm năng chia sẻ gánh nặng và áp lực với đội ngũ y tế. Khó khăn hiện nay của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng là số lượng ca F0 nặng nhiều, công việc chăm sóc, điều trị diễn ra căng thẳng 24/7. Các chiến sĩ áo trắng dù rất quyết tâm, sẵn sàng chịu đựng vất vả, hy sinh, nhưng trước sức ép từ số lượng bệnh nhân nặng cần điều trị quá lớn, họ rất cần được chia sẻ, hỗ trợ.
Chính vì vậy mà gần đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM đã đề nghị Sở Y tế tham mưu việc vận động sử dụng các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh tham gia tình nguyện phục vụ phòng chống dịch. Hôm 22/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, và Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng đã đưa ra lời kêu gọi các bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh, nếu đủ điều kiện sức khoẻ, hãy tình nguyện đăng ký hỗ trợ TP.HCM chống dịch.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh TP.HCM đang điều trị cho 34.605 bệnh nhân (tính đến sáng 22/8), trong đó có 2.442 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO. Từ nhiều tháng nay, Thành phố luôn trong tình trạng thiếu nhân lực y tế. Trong báo cáo gần đây nhất của Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19, TP.HCM thiếu tới 12.000 nhân viên y tế để phục vụ tại các tầng điều trị.
Lực lượng F0 khỏi bệnh thì nhiều, vấn đề là cần tuyên truyền để họ hiểu được rằng việc tham gia hỗ trợ lực lượng y tế là an toàn với bản thân và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Theo tài liệu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, trong vòng 4 tuần sau khi mắc bệnh, 90-99% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể phát hiện được kháng thể trung hòa. Sức mạnh và thời gian của các phản ứng miễn dịch đối với SARS-CoV-2 có thể thay đổi theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, nhưng dữ liệu khoa học hiện có cho thấy rằng ở hầu hết mọi người, đáp ứng miễn dịch vẫn mạnh mẽ và bảo vệ chống tái nhiễm trong ít nhất 6-8 tháng sau khi nhiễm virus.
Nhờ có “tấm khiên miễn dịch” đó, việc các F0 khỏi bệnh và khoẻ mạnh tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch cần được khuyến khích, nhân rộng. Lợi thế không chỉ ở khả năng miễn dịch, mà các F0 khỏi bệnh cũng là những người đã thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều. Công tác huấn luyện cơ bản cho họ những kiến thức về theo dõi tình trạng ôxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh cũng sẽ dễ dàng hơn.
Do lực lượng thiếu, nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cận kề bệnh nhân, do đó các F0 khỏi bệnh sẽ không chỉ giúp hỗ trợ người bệnh, mà còn phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường với bệnh nhân để báo ngay cho bác sỹ.
Trên thực tế, cảm phục sự hy sinh của các y, bác sĩ khi đã điều trị và giành giật sự sống cho mình, giống như anh Hà Ngọc Trường, nhiều bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh đã xin ở lại làm tình nguyện viên chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Họ đang trở thành lực lượng “tự quản” đồng hành chia sẻ gánh nặng với lực lượng y tế. Tuy vậy, để động viên và huy động được nhiều F0 ở lại hỗ trợ hơn, cũng cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ cụ thể như hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ, sinh hoạt… trong thời gian phục vụ.
TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang kiên cường trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19. Hàng ngày, chúng ta được thông báo những con số đau lòng về số người mắc bệnh và tử vong, nhưng ta cũng chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp về lòng nhân ái và hy sinh. Biết bao con người đang lao ra “mặt trận y tế” để giành giật sự sống, để bảo vệ an toàn cho cộng đồng, để phục vụ đời sống dân sinh trong mùa dịch… Những F0 khỏi bệnh chắc chắn cũng là những con người sẵn sàng ở lại “mặt trận” đó, nhưng không phải với tư cách nạn nhân nữa, mà với tư cách người chiến sĩ.