Điều đó đã thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ, sự quan tâm chia sẻ, kịp thời, có trách nhiệm của Chính phủ với người dân, để người dân đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch.
Với mong muốn người dân thực sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách, Chính phủ yêu cầu các địa phương, các tỉnh, thành phố phải bảo đảm đủ điều kiện vật chất, tinh thần; các yêu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, hỗ trợ, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, không có thu nhập, không còn dự trữ. Đi liền với đó là tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vaccine hết hạn. Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị cho người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19.
Không chỉ dừng ở những chỉ đạo, với sự thấu hiểu và nhận thức rõ những vất vả của nhiều người dân trong khu vực đang thực hiện giãn cách, Chính phủ còn kịp thời đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân.
Nghị quyết số 83/NQ-CP được Chính phủ ban hành thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là đợt hỗ trợ tiền điện thứ 4 được triển khai trong vòng 2 tháng qua, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 55/NQ-CP hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện lần này là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện là 2 tháng với các hóa đơn tháng 8 và tháng 9/2021. Theo tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong đợt 4, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng khoảng 2.500 tỷ đồng. Mức giảm này được đánh giá là giúp nhiều gia đình bớt đi phần nào gánh nặng, nhất là hộ nghèo, những hộ dễ dàng nhận diện qua hóa đơn tiền điện. Đồng thời, nó cũng động viên, khích lệ tinh thần cho người dân cùng nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Tiếp đó, Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân thực hiện giãn cách xã hội chủ yếu ở nhà, nhu cầu sử dụng điện, nước chắc chắn sẽ tăng cao.
Không những thế, Chính phủ cũng có ý kiến về việc Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay. Ngay sau đó, các nhà mạng đã đưa ra gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước.
Trong bối cảnh gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng (Nghị quyết 68/NQ-CP) đang được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, thì việc có thêm sự hỗ trợ tiền điện, tiền nước, hỗ trợ dịch vụ viễn thông là hết sức cần thiết, được người dân hết sức quan tâm và ghi nhận.
Với nguyên tắc bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, cùng với Nghị quyết 68, các quyết sách của Chính phủ về giảm tiền điện, tiền nước, giá cước viễn thông… đã tạo “luồng sinh khí mới” góp phần ổn định an sinh xã hội cũng như giúp người lao động và người sử dụng lao động thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch và vừa phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó, cũng cho thấy sự sâu sát và chia sẻ của Chính phủ với những khó khăn cả về vật chất và tinh thần mà người dân phải đối mặt gần hai năm qua do dịch COVID-19. Đây cũng là một cách để người dân thật sự an tâm “ở yên trong nhà”, chấp hành nghiêm quy định Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.