Việc liên quân Mỹ-Anh-Pháp trút hơn 100 quả tên lửa xuống Syria rõ ràng là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế không thể bào chữa, đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và xâm phạm các quyền của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Mỹ viện cớ đáp trả cuộc tấn công mà phương Tây tình nghi Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Tuy nhiên, đây hiển nhiên là một luận điệu “trên trời” vì chưa hề có một kết quả điều tra độc lập và đáng tin cậy nào cho thấy điều đó. Các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được cử tới làm rõ vụ việc còn chưa đặt chân tới Douma, thị trấn xảy ra vụ tấn công. Thậm chí, Nga còn nghi ngờ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này là một màn kịch do chính phương Tây dàn dựng nhằm vu khống cho Chính quyền Damascus, tạo cớ để tấn công.
Tổng thống Donald Trump một lần nữa đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm trong các cuộc xung đột Iraq năm 2003 và Libya năm 2011. Mỹ và đồng minh đã tự cho mình cái quyền của một lực lượng cảnh sát quốc tế, chính sách quá lạc lõng và lỗi thời tưởng như đã “chết” theo những lần sa lầy của quân đội Mỹ ở Trung Đông-Bắc Phi.
Trên phương diện pháp lý, Hiến chương LHQ quy định quân đội nước ngoài chỉ được phép can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với 3 lý do cụ thể, đó là tự vệ hợp pháp, theo yêu cầu của quốc gia liên quan, hoặc trong trường hợp được Hội đồng Bảo an (HĐBA) ủy quyền. Trong trường hợp cụ thể ở Syria, không thể đưa ra lý do chính đáng nào để biện minh cho hành động can thiệp quân sự của Mỹ, Anh và Pháp. Rõ ràng, chính 3 nước ủy viên thường trực HĐBA nắm quyền phủ quyết này đã phớt lờ luật pháp quốc tế một cách trắng trợn.
Chỉ 3 năm trước đây, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng còn gieo rắc nỗi ám ảnh kinh hoàng không chỉ tại Syria, mà còn đối với toàn thế giới. Có thể nói rằng Chính quân đội Chính phủ Syria là lực lượng xung kích tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố tàn bạo này. Với sự hỗ trợ của Nga và một số nước, hiện nay IS gần như bị đánh bại hoàn toàn tại Syria. Tuy nhiên, dường như Mỹ-Anh-Pháp đã “nhắm mắt làm ngơ” trước kết quả này. Hơn 100 quả tên lửa của liên quân thay vì trút xuống đầu tàn quân IS thì lại nhằm vào Chính quyền Syria. Đây thật sự là một chiến dịch quân sự phi nghĩa và không thể biện minh của phương Tây.
Và đương nhiên hành động này của liên quân Mỹ-Anh-Pháp đang vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội trên thế giới. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres yêu cầu Mỹ-Pháp-Anh thể hiện trách nhiệm, hành động phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mạnh mẽ phản đối việc liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công Syria bằng tên lửa, gọi đây là hành động hiếu chiến vi phạm luật pháp quốc tế và chống lại quốc gia có chủ quyền, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hậu thuẫn Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới cũng lên tiếng phản đối vụ tấn công của ba nước trên.
Ở một khía cạnh khác, vụ không kích của Mỹ-Anh-Pháp là một cuộc tấn công có giới hạn, được nhiều người đánh giá là mang tính “dằn mặt” và để “chiều lòng” các đồng minh khu vực của Mỹ. Ngay sau cuộc không kích, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã kêu gọi tái khởi động một tiến trình chính trị "ngay lập tức" nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Syria. Rõ ràng, Washington-London-Paris không muốn theo đuổi một hành động quân sự quá lớn có thể tạo ra khúc rẽ nguy hiểm cho tình hình tại Syria, đặc biệt là tránh làm leo thang xung đột dẫn tới sự tham gia trực tiếp của Nga và Iran. Về phần mình, vụ không kích vừa qua cho thấy Nga cũng muốn tránh một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ và phương Tây tại Syria, thể hiện qua việc hệ thống phòng không Nga đã “án binh bất động” trong suốt cuộc không kích dù trước đó Moskva tuyên bố sẽ bắn hạ mọi tên lửa của Mỹ bay tới.
Diễn biến trên mang lại hy vọng mong manh về một quá trình chính trị nhằm tìm lối thoái cho cuộc khủng hoảng dai dẳng ở Syria. Quan trọng là Mỹ và phương Tây cần phải nhận thấy một điều rằng Syria không phải là Iraq 2003 và Libya 2011. Syria, với sự ủng hộ của Nga và Iran, đủ sức đương đầu với các hành động can thiệp quân sự trái luật pháp theo kiểu “Sen đầm quốc tế” như Mỹ và liên quân vừa tiến hành.