Dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế vừa được Bộ Nội vụ hoàn thành đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo dự thảo nghị định, dự kiến từ nay đến năm 2020, sẽ thực hiện tinh giản khoảng 100.000 biên chế. Có nghĩa, sẽ giảm được 100.000 công chức trong diện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” khỏi bộ máy nhà nước.
Mới đây, khi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đại ý, bộ máy hành chính hiện quá cồng kềnh. Do vậy, tinh giản biên chế là một nhu cầu bức xúc và phải đi vào thực chất. Nếu không chỉ ra được nguyên nhân của những tồn tại và vạch ra mục tiêu rõ ràng, thì e rằng sẽ đi vào vết xe cũ, nguồn lực để tinh giản biên chế không những bị lãng phí mà còn bị lợi dụng.
Cần phải thấy rằng, việc tinh giản biên chế là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự tinh nhuệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, có nhiều luồng ý kiến khác nhau về tính khả thi, về kinh phí dự kiến (8.000 tỷ đồng) mà ngân sách phải bỏ ra, cũng như những tiêu cực do lợi dụng chính sách giảm biên chế... Có ý kiến hoài nghi về khả năng có thể giảm biên chế một số lượng công chức khổng lồ chỉ trong khoảng thời gian ngắn (2014-2020). Sự lo ngại này là có cơ sở, bởi lẽ thực tế thời gian qua đã cho thấy, sau 5 năm tinh giản biến chế theo Nghị định 132 của Chính phủ, bộ máy công chức nhà nước... vẫn phình thêm; tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn tồn tại; nhân sự tuyển vào tràn lan, tổ chức thi tuyển sơ sài, thiếu chặt chẽ; thêm vào đó là nạn “chạy công chức” khiến số lượng công chức được tuyển vào không đảm bảo về chất lượng càng tăng thêm. Kết quả một cuộc khảo sát, điều tra của Bộ Nội vụ cho thấy, trong bộ máy nhà nước chỉ có 40% công chức đủ chuẩn, 40% còn thiếu một vài tiêu chuẩn, còn lại 20% thiếu chuẩn trầm trọng, không thể giao việc.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được lộ trình tinh giản biên chế như dự thảo nghị định, một trong những việc phải làm là xác định cho được vị trí việc làm, trình độ cần thiết... của từng chức danh, công việc nhưng phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể mới có thể thực hiện được. Đồng thời, lãnh đạo ở từng cơ quan, đơn vị phải có sự cương quyết. Gần đây, cả nước đã áp dụng phương pháp xác định vị trí việc làm để tìm ra số biên chế cần sử dụng cho phù hợp, chính xác. Phương pháp này tuy mới triển khai, nhưng nếu làm tốt sẽ là bước chuẩn bị tốt cho lộ trình tinh giản biên chế.
Từ trước đến nay, chủ trương loại công chức yếu kém, thoái hóa... ra khỏi bộ máy, nhưng thực tế rất khó thực hiện. “Chân dung” một công chức yếu kém có thể phác họa trên lý thuyết, nhưng khi áp vào thực tế và đối với từng con người thì rất khó xử lý. Đó là chưa kể tình trạng thân quen hay có thành tích trong quá khứ, nên việc xử lý cũng không đơn giản. Đó là những lý do để giải thích vì sao nhiều năm qua, việc tinh giản biên chế rất khó khăn, trong khi rất nhiều ý kiến than phiền trong bộ máy còn không ít những cán bộ, công chức yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của công việc...
Bài học những lần giảm biên chế trước đây cho thấy, các điều kiện, tiêu chuẩn để quyết định tinh giản hay không tinh giản biên chế còn thiếu cụ thể, minh bạch; hậu quả là biên chế nơi cần giảm đã không giảm, mà lại tăng thêm; căn bệnh xuê xoa, hình thức thiếu kiên quyết vẫn không được khắc phục. Vấn đề đặt ra là quá trình tổ chức thực hiện đợt tinh giản lần này phải thật sự dân chủ, phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể và vai trò của người đứng đầu. Có như vậy việc tinh giản biên chế, làm trong sạch bộ máy nhà nước mới khả thi và phát huy hiệu quả trong thực tế.
Yến Nhi