Quan lộ thần tốc

Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lãnh đạo một cách thần tốc được phát hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị khiến dư luận xã hội bức xúc.

Về vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải kiên quyết khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân khiến dư luận bức xúc; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật cá nhân vi phạm pháp luật và có khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Câu hỏi được đặt ra, tại sao lại xảy ra tình trạng bổ nhiệm bất thường khiến dư luận bức xức? Nguyên nhân của thực trạng vừa nêu, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra, đó là: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tiên phong, gương mẫu; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”.

Thực tế, hầu hết các trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân “siêu tốc” bị dư luận phanh phui đều liên quan đến những cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Những người này không chỉ lợi dụng các kẽ hở của chính sách pháp luật, lợi dụng quyền lực của mình để tác động, can thiệp, chi phối, thao túng công tác cán bộ, mà còn bất chấp các quy định của Đảng về việc giải quyết mối quan hệ với người nhà, người thân.

Có điều lạ, những trường hợp mà dư luận lên tiếng về “quan lộ thần tốc” đều được lấp liếm bằng cụm từ “đúng quy trình”, nhưng thực chất đó là sự bổ nhiệm với công thức thường gặp “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ”. Cần phải nói rằng, việc vin vào “quy trình” chỉ là sự ngụy biện cho sai phạm trong công tác bổ nhiệm. Ai cũng hiểu, việc đề bạt cán bộ là dựa trên yêu cầu công việc và người được bổ nhiệm phải bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực cán bộ. Xét cho cùng, “quy trình” chỉ là cách thức tiến hành các thủ tục, các bước cần thực hiện khi tiến hành bổ nhiệm.Thực tế, các trường hợp “quan lộ thần tốc” được phát hiện thời gian qua , quy trình bổ nhiệm thường bị núp bóng, hoặc bị cắt xén theo hướng có lợi cho người được bổ nhiệm. Đáng lưu ý, có tình trạng cơ quan, đơn vị, địa phương bổ nhiệm theo kiểu nghiên cứu hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, sự sắp đặt trước các vị trí công việc, đó là chưa kể tình trạng "đi đêm” trong công tác bổ nhiệm.

Thực tế cho thấy, ngoài những trường hợp “quan lộ thần tốc” đã bị phát hiện xử lý, vẫn còn vô số trường hợp đang ẩn hiện đâu đó, nếu không kiên quyết đưa ra ánh sáng, nó sẽ để lại hậu họa khôn lường. Những “đường dây lậu” trong bổ nhiệm không chỉ làm suy yếu bộ máy tổ chức và làm gia tăng nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền từ tham nhũng tiền bạc, đất đai đến tham nhũng dự án, tham nhũng chính sách… Hệ quả, có không ít “quan tham”, bất tài lọt vào bộ máy, còn người có tài thực sự thì không được trọng dụng. Nguy hại, sự bất thường trong bổ nhiệm cán bộ đã làm cản trở sự phát triển xã hội, làm tha hóa cán bộ, đồng thời làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và bộ máy nhà nước.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn, tiến tới loại trừ nạn “quan lộ thần tốc”? Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 105-QĐ/TW và Nghị quyết số 126/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, có điểm chung, đó là: Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực...

Như vậy, muốn thực hiện nghiêm yêu cầu của Đảng về công tác cán bộ, thì vai trò, trách nhiệm, ý thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ có công khai, minh bạch công tác cán bộ, từ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, thi tuyển, thì mới loại bỏ được tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, qua đó mới chọn được người thực tài. Đó cũng là cái gốc của công tác phòng chống tham nhũng và củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Một vấn đề không kém phần quan trọng, là phải xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với những cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm thao túng công tác cán bộ, bổ nhiệm người nhà, người thân; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của bộ phận tham mưu, thẩm định các quyết định bổ nhiệm “có vấn đề”, tránh tình trạng khi có khuyết điểm thì lỗi do tập thể, không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

Yến Nhi
Không giơ cao đánh khẽ
Không giơ cao đánh khẽ

Quyết định cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn được dư luận đánh giá là đúng người, đúng tội, không có sự bao che, cũng không có chuyện giơ cao đánh khẽ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN