Khi cho con học tại trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, chắc cũng không có phụ huynh nào lường trước được rằng chuỗi trung tâm có 120 cơ sở này sẽ ngừng hoạt động, còn chủ sở hữu sẽ hầu tòa.
Thế nhưng, đó chính xác là những gì đang xảy ra ở cả hai cơ sở giáo dục trên, khiến phụ huynh học sinh như ngồi trên đống lửa.
AISVN là một trong những trường dành cho con nhà giàu, có mức học phí đắt đỏ bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, khoảng từ 280 đến 725 triệu đồng/năm. Ngôi trường này đang vướng vào vụ lùm xùm nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của giáo viên khoảng hai tháng nay, khiến nhiều giáo viên nghỉ việc và trường không thể duy trì hoạt động dạy học.
Khi năm học sắp hết, phụ huynh rơi vào tình cảnh đi không được, ở cũng không xong vì chương trình học của AISVN khác biệt, khó tìm trường phù hợp đồng ý tiếp nhận con mình. Điều quan trọng là, trong 5 năm qua, nhiều người đã cho nhà trường vay tiền dưới hình thức góp vốn tài chính đầu tư với số tiền từ vài trăm triệu đến cả 15 tỷ đồng. Lời hứa hẹn của AISVN là học sinh được miễn học phí và khi ra trường, phụ huynh nhận lại nguyên số tiền đã đầu tư. Thế nhưng, hồi tháng 10/2023, một số phụ huynh có con đã ra trường tụ tập để đòi lại hàng chục tỉ đồng nhưng bất thành. Rồi vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn khi AISVN mất khả năng tài chính, kêu gọi phụ huynh tiếp tục góp 125 tỷ đồng để duy trì hoạt động, đẩy nhiều người vào tình thế “đâm lao phải theo lao”.
Theo giải thích của lãnh đạo công ty Apax Holdings, chuỗi trung tâm Apax Leaders bắt đầu gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, dẫn tới đóng cửa hàng loạt chi nhánh khắp cả nước.
Những lời hứa hẹn tái cấu trúc, rồi lộ trình hoàn học phí vẫn mãi chỉ là lời hứa suông và tới ngày 25/3, Shark Thủy (chủ Trung tâm này) bị bắt và bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, Apax Leaders nợ phụ huynh tới 108 tỷ đồng khi 39 trên 41 trung tâm đóng cửa. Nhiều phụ huynh đã đóng học phí dài hạn cho con trị giá tới cả trăm triệu đồng. Có người phải cầm cố tài sản, vay mượn để có tiền đóng học phí và đang phải trả nợ ngân hàng.
Có thể thấy hai cơ sở giáo dục nói trên liên quan tới hai nhóm phụ huynh có điều kiện kinh tế tương đối khác nhau. Một nhóm giàu, đủ tiền cho con học trong môi trường quốc tế và một nhóm không khá giả như vậy, thậm chí điều kiện kinh tế khó khăn. Điểm chung là họ bị hấp dẫn bởi lời chào mời miễn học phí nếu đầu tư và những gói ưu đãi khi đóng học phí dài hạn.
Giờ đây, cả phụ huynh giàu lẫn phụ huynh không giàu đều phải “khóc”, khóc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi bị cơ sở giáo dục nợ tiền và có thể nói là hầu như không có cơ hội đòi lại được, dù là cả chục tỉ đồng như phụ huynh AISVN hay vài chục triệu đồng như phụ huynh ở Apax Leaders.
Vụ việc tại AISVN đã khiến Thủ tướng Phạm Minh Chính phải ký ban hành công điện chấn chỉnh hoạt động của trường này, đồng thời rà soát, tăng cường kiểm tra, thanh tra các trường có yếu tố nước ngoài để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.
Còn khi vụ của Apax Leaders gây tác động lớn, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trung tâm ngoại ngữ, tin học thu học phí theo số tháng thực học, không được thu học phí dài hạn không đúng quy định.
Hai vụ việc liên quan AISVN và Apax Leaders cho thấy nhìn chung, chúng ta vẫn xử lý theo vụ việc riêng lẻ khi đã xảy ra hậu quả, mà chưa có biện pháp quản lý các cơ sở giáo dục, phòng ngừa rủi ro ngay từ đầu cho phụ huynh và học sinh.
Biện pháp quản lý là điều vô cùng quan trọng khi mà lĩnh vực giáo dục luôn được ưu tiên phát triển ở Việt Nam, nơi mà phụ huynh dù giàu hay không giàu đều không tiếc tiền chi cho sự nghiệp học hành và tương lai của con cái. Cũng giống như khi mua thuốc và dịch vụ chăm sóc y tế, không ai trả giá, mặc cả khi mua quyển sách hay dịch vụ giáo dục. Bối cảnh và tâm lý đó khiến giáo dục là một mỏ vàng để khai thác ở Việt Nam, nhất là khi lĩnh vực này có vẻ như bị buông lỏng quản lý.
Thế nhưng, dường như khi đầu tư vào giáo dục cho con em, phụ huynh đều dựa trên niềm tin là chính khi chọn nơi học. Với trường AISVN, cơ sở vật chất hoành tráng, cái mác quốc tế, chương trình Tú tài Quốc tế là yếu tố tạo niềm tin, thu hút phụ huynh giàu có, khiến họ sẵn sàng “xuống tay” cho vay tiền tỉ mà không rõ nhà trường làm gì với số tiền của mình. Với Apax Leaders, hình ảnh Shark Thủy hào nhoáng, được đánh bóng trong chương trình thực tế “Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank”, cũng khiến nhiều phụ huynh yên tâm khi cho con học tiếng Anh tại công ty của ông này.
Thế nhưng, niềm tin là thứ vô hình, khó xây mà cũng vô cùng dễ vỡ. Khi xảy ra sự cố mất khả năng tài chính ở AISVN hay nợ học phí ở Apax Leaders, phụ huynh lâm vào thế bị động, không biết đòi tiền ai và đòi thế nào.
Do những lỗ hổng pháp lý, phụ huynh vẫn buộc phải “nắm dao đằng lưỡi” trong vấn đề đóng học phí. Bởi lẽ quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP là các khóa học ngắn hạn chỉ thu học phí theo số tháng thực học, cơ sở giáo dục thu tối đa 9 hoặc 10 tháng/năm, nhưng nhiều nơi đang mời chào phụ huynh “gói đầu tư giáo dục”, thực chất là lôi kéo họ đóng học phí dài hạn vài năm, thậm chí cả chục năm.
Hai vụ việc điển hình ở hai cơ sở giáo dục AISVN và Apax Leaders cho thấy dù đúng đắn và mang tới cho học sinh nhiều lựa chọn, nhưng chủ trương xã hội hóa giáo dục phải đi kèm với những khuôn khổ, quy định rõ ràng để bảo vệ phụ huynh, học sinh trong mọi trường hợp. Nếu để các cơ sở giáo dục tư nhân tự tung tự tác, thì khi xảy ra sự cố, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh và học sinh.