Hôm nay 4/10 là Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy. Giữa lúc cả nước đều đang lo về “thủy” (bão, lũ liên tiếp) thì chuyện “hỏa” có vẻ không bức xúc bằng. Nhưng sự thực là, dù thời tiết đang đẫm nước mưa, nước lũ, “bà hỏa” vẫn cứ tác hại. Ví dụ mới nhất: Chiều ngày 2/10, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra tại khóm 4 thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thiêu rụi hoàn toàn hơn 50 căn nhà, may không có tổn thất về người nhưng thiệt hại vật chất ước khoảng 1,8 tỉ đồng.
Một vụ cháy đã gây thiệt hại tiền tỉ, nhiều vụ tác hại còn lớn hơn rất nhiều. Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 873 vụ cháy, làm 23 người chết, 80 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 306 tỷ đồng. Nhìn xa hơn, trong 10 năm, từ 2002-2011, cả nước xảy ra 16.767 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân... và 6.109 vụ cháy rừng, làm chết 688 người, bị thương 1.848 người, ước thiệt hại gần 4.200 tỉ đồng. Cổ nhân đã đúc kết “Thủy hỏa đạo tặc” thật không sai.
Vậy phải làm gì để chặn tay “bà hỏa”?
Lãnh đạo cơ quan PCCC nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu an toàn trong cháy nổ, nhưng nguyên nhân lớn nhất là do con người thiếu ý thức và kiến thức về PCCC. Số vụ cháy do ý thức chủ quan của con người (như sơ suất, vi phạm quy định về an toàn PCCC...) chiếm tới 65% tổng số vụ cháy. Điều này được minh chứng rất rõ trong thực tế. Những ai sống ở Hà Nội không xa lạ gì với cảnh ở một số chợ, hàng hóa bày ngồn ngộn, lấn lướt (thậm chí che khuất) chỗ để dụng cụ PCCC trong khi bàn thờ thần tài cứ nghi ngút; nhiều bãi gửi xe tận dụng tối đa mặt bằng, xe cộ che cả lối vào chỗ để bình cứu hỏa; nhiều chung cư rất coi thường công tác PCCC, người dân mang bếp ra hành lang đun nấu, mang vàng mã ra hóa, dùng thiết bị điện không an toàn...; nhiều người hút thuốc lá xả tàn thuốc, đầu mẩu thuốc ra bất cứ đâu.
Vẫn biết trong cuộc sống, người ta thường hướng đến “tiện” và “lợi”. Bày được nhiều hàng để buôn bán thì tiểu thương có lợi, trông được nhiều xe thì chủ bãi nhiều mối lợi, người sống trong chung cư đun nấu, hóa vàng ngay hành lang thì tiện... Nhưng đó là những thứ “tiện”, “lợi” trên cái nền nguy hiểm bởi thần lửa rình rập, có thể tấn công bất cứ lúc nào.
Trong công tác PCCC, việc nâng cao năng lực, tăng cường trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách là rất cần thiết, nhưng cũng mới là “nước xa”. Nếu mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị không tự lo cho mình trước nguy cơ cháy nổ thì khi hỏa hoạn xảy ra “nước xa khó cứu được lửa gần”. Cho nên, người dân và cả cộng đồng đều phải có ý thức tự lo phòng chống bằng cách nâng cao hiểu biết về các nguy cơ cháy nổ và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Hà Nguyễn