Ngày 12/3, Thái Lan là nước châu Á đầu tiên ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca vì lo ngại an toàn, dù chưa có sự cố gì. Trước đó, Đan Mạch ngừng tiêm loại vaccine này trên toàn quốc trong hai tuần sau khi có thông tin về tình trạng huyết khối ở người tiêm. Ít nhất 7 quốc gia nữa cũng có động thái như Đan Mạch.
Ngày 11/3, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phải nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu nào cho thấy tiêm vaccine AstraZeneca gây cục máu đông. EMA cũng nói lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn nhiều so với rủi ro. Theo EMA, số ca gặp tình trạng huyết khối sau tiêm vaccine không cao hơn so với số ca huyết khối trong dân số nói chung.
Tính tới 10/3, khoảng 5 triệu người châu Âu đã được tiêm vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford nghiên cứu, sản xuất. Trong số này, chỉ có 30 trường hợp liên quan tới nghẽn mạch huyết khối. Thậm chí, huyết khối còn không nằm trong danh sách tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca.
Nhiều nước thu nhập cao tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca. Anh, Pháp, Australia, Canada… đã trấn an người dân, khẳng định lợi ích của vaccine trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tiến sĩ Phil Bryan, quan chức phụ trách an toàn vaccine ở Anh, nhấn mạnh luôn đặt yếu tố an toàn lên trên hết và khuyến khích người dân tiếp tục tiêm vaccine.
Phát ngôn viên của AstraZeneca khẳng định phân tích dữ liệu an toàn cho thấy không có bằng chứng vaccine làm gia tăng huyết khối ở bất kỳ tuổi nào, giới tính nào, lô thuốc nào hay quốc gia nào.
Bản thân Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ủng hộ sử dụng vaccine AstraZeneca. Theo Tổng giám đốc WHO, trên 335 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu và chưa có ca tử vong nào liên quan trực tiếp vaccine. Dù vậy, WHO cho biết một nhóm chuyên gia đang điều tra các thông tin mới nhất.
Việc một số quốc gia tạm ngừng dùng vaccine của hãng dược phẩm đa quốc gia Anh-Thụy Điển bị đánh giá là bước lùi trong chương trình tiêm chủng của châu Âu. Một số chuyên gia cho rằng châu Âu đã quá thận trọng.
Tại Việt Nam, vaccine của AstraZeneca cũng đang được sử dụng. Tới chiều 13/3, thống kê của Bộ Y tế cho thấy có 10.041 người tại 12 tỉnh và thành phố đã được tiêm vaccine AstraZeneca. Đa số người được tiêm là những người trực tiếp điều trị bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết và thành viên tổ COVID-19 cộng đồng. Sau 6 ngày tiêm vaccine từ 8-13/3, có 7 trường hợp có phản ứng phản vệ độ 2. Một số có phản ứng thông thường.
Về phản ứng phụ đông máu như ở một số nước châu Âu, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã bàn về vấn đề này. Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định Việt Nam chưa có ca nào tăng huyết khối sau tiêm vaccine. Thứ trưởng Y tế cho biết Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca.
Việc dừng tiêm vaccine AstraZeneca hay không là quyết định của từng quốc gia. Thái Lan và một số nước châu Âu tạm ngừng tiêm vaccine này trên cơ sở thận trọng và để điều tra thêm. Điều này không có nghĩa là các nước tiếp tục tin tưởng và sử dụng vaccine AstraZeneca, trong đó có Việt Nam, thiếu thận trọng hay không quan tâm tới sự an toàn của người tiêm.
Trong khi các quốc gia khác ưu tiên yếu tố tiêm nhanh, tiêm nhiều nhất có thể để kiềm chế dịch bệnh, thì Việt Nam triển khai theo hướng thận trọng, kỹ càng từ khâu chuẩn bị cho tới khâu theo dõi sau tiêm vaccine. Và vấn đề an toàn luôn được đặt lên trên hết. Một điểm chứng minh điều đó là Việt Nam tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm để tiêm đúng đối tượng và loại trừ những trường hợp chống chỉ định tiêm vaccine. Tất nhiên, khi thêm khâu khám sàng lọc thì tiến trình tiêm chủng sẽ bị chậm lại nhưng các rủi ro với người tiêm sẽ được loại bỏ tối đa. Hà Nội cũng chỉ tiêm từ 30-35 người/buổi để có thể sàng lọc, theo dõi tốt sau tiêm.
Hơn nữa, do đây là lô vaccine COVID-19 đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam nên quá trình tiêm được chuẩn bị cực kỳ chu toàn toàn để tạo niềm tin cho người dân, đặc biệt là những người còn có tâm lý ngần ngại, hoài nghi vaccine.
Tất nhiên, như mọi loại thuốc và vaccine khác, vaccine COVID-19 nói chung và vaccine của AstraZeneca nói riêng đều có tác dụng phụ. Có người tiêm rồi chỉ hơi đau vết tiêm, có người sốt, có người tiêu chảy, nhưng cũng có người sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng hơn. Bản thân Bộ Y tế cũng lường trước điều này. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chắc chắn sẽ có tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì thế mà làm chậm lại hay lung lay niềm tin với vaccine”.
Trước khi làm việc gì quan trọng, người ta thường suy nghĩ, cân đo lợi ích và rủi ro để quyết định. Việc tiêm vaccine COVID-19 cũng vậy. Với những đối tượng ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên, lợi ích chắc chắn là lớn hơn nhiều so với rủi ro. Với những y bác sĩ và những người thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân COVID-19, nguy cơ nhiễm bệnh luôn hiện hữu. Nếu họ sợ và không tiêm, họ có thể gặp rủi ro khi mắc bệnh nhiều hơn là rủi ro tác dụng phụ sau tiêm.
Cũng cần phải nói rằng tiêm vaccine không có nghĩa là an toàn 100%, nhưng nếu chẳng may có mắc COVID-19 thì mũi tiêm đó sẽ giúp họ mắc bệnh nhẹ hơn, tránh nguy cơ tử vong.
Vaccine nói chung là thành quả vĩ đại của nhân loại, giúp thanh toán nhiều căn bệnh trên thế giới. Bất chấp luận điệu của những người theo các phong trào phản đối vaccine, lợi ích của vaccine là rõ ràng và không thể chối cãi, không thể vì một vài sự cố riêng lẻ mà lung lay niềm tin vào thành quả lớn lao đó. Vì vậy, trong khi nhiều người trên thế giới phải tìm mọi cách, kể cả dùng mánh khóe, để được tiêm vaccine COVID-19, thì chúng ta, những người dân Việt Nam, hãy tiêm khi tới lượt.