Nhìn rõ mong muốn để xác định hướng đi

Ở nhiều quốc gia, bậc học “xây nền” được hoàn toàn miễn phí, như nhiệm vụ của ngành giáo dục – đào tạo nhằm xây dựng nên những phẩm chất, năng lực cơ bản của người dân trong xã hội chung; còn các bậc đào tạo, dạy nghề là cung cấp các kỹ năng làm việc, nên người học/người lao động sẽ phải chi trả như bỏ tiền mua một công cụ giúp kiếm tiền, kiếm sống.

Lật lại lịch sử, trước khi có Bộ Giáo dục và Đào tạo, nước ta từng có Bộ Giáo dục, Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Qua thời gian, các Bộ sáp nhập, hình thành nên Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày nay. Tên Bộ ghi rõ ràng hai nội dung “Giáo dục”và “Đào tạo”, như hàm ý hai hoạt động nhằm trang bị cho người học những hành trang cần thiết để bước vào đời.

Mô hình trường học mới được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương. Ảnh: Phan Sáu -TTXVN


Có nhiều chiết tự, nhưng tựu chung, “giáo dục” có thể hiểu là sử dụng các biện pháp nghiệp vụ sư phạm nhằm uốn nắn, dạy dỗ, truyền đạt, giúp người học hình thành những phẩm chất và kiến thức cơ bản, từ đó có thể trưởng thành, hoà nhập xã hội, trở thành một công dân tốt. Ngay từ bậc học như mầm non, hoạt động giáo dục đã bắt đầu, qua từng bài học, trải nghiệm của trẻ. Nội dung này xuyên suốt các bậc học tiếp theo, nhất là bậc học phổ thông (các cấp 1,2 và cả cấp 3) nên tại bậc học này, các nội dung mang tính “giáo dục” cần được đặc biệt ưu tiên trong xây dựng chương trình đào tạo.


Kết thúc phổ thông, hoặc ngay từ những năm cuối bậc phổ thông (cấp 3), người học bước vào độ tuổi lao động, có những xu hướng phát triển nghề nghiệp tương lai, thì nội dung “đào tạo” nhằm cung cấp các kỹ năng cho người học tham gia thị trường lao động. Chính vì vậy, các trường Trung cấp chuyên nghiệp, trường Nghề rồi Cao đẳng, Đại học là những nơi đào tạo chuyên sâu cho một hướng nghề nghiệp của người học trước khi chính thức “vào đời”.


Nếu so sánh, có thể thấy hoạt động giáo dục như việc chuẩn bị một nền móng tốt, một bộ khung vững chãi cho xây một ngôi nhà. Nền móng, khung cốt ấy giúp ngôi nhà có thể chống chọi với những cơn bão gió trong tương lai. Rồi ngôi nhà thành hình ra sao, có thể trở thành chỗ trú nắng mưa tạm thời, hay nguy nga lộng lẫy như cung điện lại là nhiệm vụ chính của các công đoạn sau. Chính với quan niệm như vậy về “giáo dục” và “đào tạo”, nên ở nhiều quốc gia, bậc học “xây nền” được hoàn toàn miễn phí, như nhiệm vụ của ngành giáo dục – đào tạo nhằm xây dựng nên những phẩm chất, năng lực cơ bản của công dân trong xã hội chung; còn các bậc đào tạo, dạy nghề là cung cấp các kỹ năng làm việc, nên người học/người lao động sẽ phải chi trả như bỏ tiền mua một công cụ giúp kiếm tiền, kiếm sống.


Hiện nay, ở nước ta, có rất nhiều tranh luận, tại rất nhiều diễn đàn quanh các nội dung của giáo dục – đào tạo. Nhiều con số đã được đưa ra, chứng minh sự đóng góp của giáo dục – đào tạo cho sự phát triển của đất nước, ví như tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường, số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất trường lớp được cải thiện… Bên cạnh đó, có không ít ý kiến bày tỏ sự thất vọng về kết quả giáo dục – đào tạo, dẫn chứng là những vụ việc thể hiện sự suy thoái trong đạo đức học đường, sự quá tải trong chương trình học đối với học sinh, số lượng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, hay không thể đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, tỷ lệ thiếu cân đối của “thợ - thầy” trong đào tạo… Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên trong đầu tư cho giáo dục, thể hiện ở chính sách và tỷ lệ ngân sách, các chương trình, dự án…, song kết quả dường như không được như mong muốn, và càng tìm cách cải tiến, thay đổi, thì dường như càng loay hoay, lúng túng như đi vào một lối chưa thấy tín hiệu thoát ra. Kết quả là  bất kỳ diễn đàn nào, dù là những câu chuyện bên bàn trà, hay ở tầm các phiên chất vấn Quốc hội, nhắc đến “giáo dục”, thường vẫn là những vấn đề quen thuộc, mà sửa chữa mãi vẫn chưa có kết quả thực sự hài lòng.


Từ khá lâu, cụm từ “triết lý giáo dục” được đề cập, nhưng dường như khái niệm này còn có nơi, có lúc chưa được thật sự thấm nhuần. Hiểu một cách trực tiếp, triết lý giáo dục là một phát biểu ở tầm tư tưởng, có khả năng trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học, hay nói rộng hơn là cho hoạt động liên quan phát triển con người. Dù phát biểu nôm na hay hàn lâm, thì triết lý giáo dục có thể tìm thấy ngay ở sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục, tức ở những con người mà hệ thống giáo dục tạo ra, bằng cách trả lời cho câu hỏi: Hệ thống giáo dục – đào tạo hướng đến việc cung cấp cho xã hội một công dân như thế nào? Nếu cần một “sản phẩm đầu ra” là một “con người công vụ” có xu hướng tìm kiếm một công việc ổn định trong bộ máy nhà nước, thì nội dung, chương trình, phương pháp sẽ bao gồm những bài “văn mẫu”, những nội dung kiến thức truyền đạt đọc - chép, những đánh giá đạo đức người học coi trọng sự “ngoan ngoãn”, “chấp hành”… Nếu cần “sản phẩm đầu ra” là một con người độc lập, tự tin, sáng tạo, có khả năng hoà nhập quốc tế, có khả năng tự tạo dựng sự nghiệp…, thì chương trình, sách giáo khoa sẽ giảm tải kiến thức, người dạy sẽ sử dụng nghiệp vụ sư phạm để dẫn dắt người học tự nhận thức thông qua các hoạt động tương tác trong lớp học, và môi trường học đường sẽ hướng tới khuyến khích những ý tưởng, suy nghĩ cá nhân...


Muốn chuẩn bị một nền tảng tốt cho người học sau này hoà nhập xã hội, trở thành nhân lực, thành phần chính của một xã hội văn minh, thì ở bậc học phổ thông cần sàng lọc bớt các kiến thức quá hàn lâm và chưa thiết thực, sử dụng các phương pháp sư phạm tiên tiến, khoa học nhất, nâng đỡ người học, để đưa vào những nội dung giáo dục nhằm giúp người học hình thành nhân cách, kỹ năng mềm. Như vậy, bậc học mầm non, phổ thông sẽ không còn sự quá tải trong chương trình, sách giáo khoa (mà loay hoay bao năm đổi sách vẫn là một áp lực lớn của cả người học và người dạy); sẽ giảm được những kỳ thi, những biểu hiện bệnh thành tích, trong các nhà trường; sẽ trả lại thời gian để học sinh tự xây dựng thói quen tự học, tự tìm hiểu cuộc sống, sáng tạo, tự tin, hình thành các phẩm chất đạo đức, các kỹ năng sống cần thiết của một người công dân trong xã hội hiện đại. Ở các bậc học này, cần sự đầu tư lớn, thậm chí có thể miễn phí (trong hệ thống trường công) để đảm bảo phổ cập.


Còn nếu muốn hướng tới việc cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, thì ở những địa chỉ cung cấp các kỹ năng nghề nghiệp, nói nôm na là nơi “bán” các dịch vụ nhằm trang bị kỹ năng lao động, kiếm sống, cần sự chi trả sòng phẳng. Có thể là tiền mặt, hoặc là những thoả thuận vay – trả mà người học có thể chấp nhận. Yếu tố thị trường tồn tại ở đây, và các cơ sở cung cấp (công hoặc tư) đều cần được nâng cao tính tự chủ hơn nữa, để đảm bảo thu – chi, duy trì sự tồn tại, phát triển. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thực hành cần được đầu tư nhiều hơn nữa, nhằm đảm bảo “đầu ra” có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Mức học phí được tính đúng, tính đủ cho hoạt động đào tạo. Tất nhiên, ở những bậc học này, cũng nhằm cung cấp công dân cho xã hội, nên dù mang tính thị trường nhưng vẫn phải tính tới các đặc thù của hoạt động đào tạo có yếu tố giáo dục và có sự hỗ trợ của nhà nước. Các chương trình học bổng của Nhà nước cần tính tới yếu tố này, như một “gạch nối” trong ranh giới giữa “giáo dục” và “đào tạo”.


Hy vọng rằng việc nhìn nhận như trên sẽ góp phần đưa lại cái nhìn thấu cảm cho hoạt động “giáo dục” và “đào tạo”, từ đó có được những đánh giá công bằng với ngành giáo dục – đào tạo, đồng thời giúp đưa ra những hướng phát triển đúng đắn của ngành, vì một mục tiêu chung là cung cấp cho đất nước những chủ nhân tương lai được trang bị đầy đủ những phẩm chất, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Thuỳ Hương/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục

Trong ngày 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục, dự án Luật Giáo dục đại học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN