Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được thiết kế theo hướng loại bỏ những kiến thức quá khó, chưa cần thiết và nâng cao khả năng vận dụng vào thực tế, góp phần tích cực trong việc hình thành năng lực cho học sinh. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, đổi mới chương trình học nhất thiết phải đi cùng công tác đổi mới đội ngũ giáo viên.

Giảm nhồi nhét kiến thức, tăng năng lực

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành về cơ bản vẫn tiếp cận theo hướng nội dung, chạy theo khối lượng kiến thức, còn nặng tính hàn lâm… Mặc dù, chương trình học đang tập trung ở 3 phương diện kiến thức, kĩ năng và thái độ nhưng vẫn là những yêu cầu rời rạc riêng rẽ, chưa liên kết, thống nhất và vận dụng tổng hợp thành năng lực hành động, năng lực thực hiện, chưa gắn với yêu cầu của cuộc sống… Do đó, những vấn đề này cần được khắc phục ở chương trình học mới.

Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ hướng đến hình thành năng lực người học.



Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Điểm chung nhất của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa sắp tới là mục tiêu, phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá đảm bảo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh chứ không đơn thuần là trang bị kiến thức. Trước đây, quan niệm có kiến thức là có năng lực, nhưng lần này thì khác, nhiều yếu tố cộng lại mới có được năng lực. Muốn đánh giá năng lực phải kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức của học sinh”.

Như thông tin Bộ GD - ĐT công bố mới đây, chương trình học mới sẽ có những điểm khác với chương trình học hiện hành. Cụ thể, chương trình sẽ phân ra hai giai đoạn tương ứng của giáo dục phổ thông. Giai đoạn tiểu học và THCS trang bị kiến thức nền tảng, hình thành cơ bản phương pháp tự học để học sinh học xong THCS có thể ra ngoài tự học. THCS gợi ý cho học sinh biết được năng lực và hiểu cơ bản nghề nghiệp ngoài xã hội. Trước đây, quan niệm 12 năm là học sinh học xong phổ thông nhưng nay lớp 9 cơ bản xong chương trình phổ thông. Như vậy, thời gian ít đi nhưng yêu cầu nhiều hơn nên chương trình học sẽ thiết kế theo hướng tích hợp, giảm số môn học, những kiến thức liên quan được xếp lại gần nhau, không dạy đi dạy lại, đồng thời việc dạy và học dễ hơn, dễ hình thành năng lực cho học sinh.

Giai đoạn hai là giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT. Giai đoạn dạy học phân hóa này sẽ có ít môn bắt buộc, tăng môn tự chọn. Học sinh sẽ có các buổi học chuyên đề để cung cấp kiến thức nâng cao, hiểu thêm nhóm ngành nghề ngoài xã hội. Lớp 10 phân hóa ít, lớp 11, 12 sẽ nhiều hơn. Với định hướng này, việc tổ chức chương trình học ở THPT sẽ loại bỏ những kiến thức chưa cần thiết, tăng khả năng vận dụng vào thực tế, góp phần hình thành năng lực học sinh. Học sinh sẽ học nhẹ hơn, tự chọn môn, chuyên đề, phát huy khả năng riêng trên cơ sở nền chung bắt buộc.

Đặc biệt, trong chương trình mới, giáo viên không chỉ dạy trên lớp mà có thể tổ chức nhiều phương pháp dạy học như nghiên cứu khoa học, dạy học theo dự án... để phát huy tính chủ động sáng tạo. Cách đánh giá cũng thay đổi, có thể bằng những sản phẩm thật học sinh làm được, hay đánh giá đạo đức qua những hành động ứng xử hàng ngày chứ không phải kiểm tra trên giấy. Chương trình tiểu học được thiết kế 2 buổi, nhưng sẽ có hướng dẫn để các trường dạy một buổi cũng dạy được phần cốt lõi, có phần cho học sinh trải nghiệm ở nhà. THCS và THPT thiết kế dạy một buổi. Tăng cường cơ sở vật chất và giáo viên không có nghĩa là tăng thời gian giảng dạy từ một buổi thành 2 buổi.

Giáo viên sẽ quyết định sự thành bại

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thì chương trình mới, sách giáo khoa mới nhưng giáo viên không “mới” thì vẫn khó làm tốt công việc đổi mới giáo dục, nhất là khi giáo viên vẫn áp đặt lối dạy cũ, tư duy cũ cho học sinh. Vì thế, vấn đề bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy của người giáo viên cần được đặt lên hàng đầu. Giáo viên cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, tư duy giáo dục để không dạy theo lối “nhồi nhét” cũ.

Đồng quan điểm này, GS Hồ Sỹ Đàm, giảng viên cao cấp, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, kiểm định chương trình mới, sách giáo khoa mới là vấn đề cần phải tiến hành ngay. Theo ông, Bộ GD - ĐT đã có sự đầu tư bài bản để có Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp. Tuy nhiên, nội dung sách từ lớp 1 đến lớp 12 cũng cần nhất quán, tránh tình trạng trùng lặp. Sau khi tiến hành thẩm định, Bộ GD - ĐT có thể đưa công khai các bộ sách giáo khoa để học sinh, giáo viên có thể tham khảo, khai thác. Sách giáo viên cũng cần được chú trọng đầu tư như đối với tập huấn nâng cao chất lượng giảng dạy cho giáo viên. Khi giáo viên hiểu rõ được sách giáo khoa mới, chương trình mới thì sẽ vận dụng đúng, đổi mới trong tư duy, phương pháp giảng dạy. Hội đồng thẩm định và hội đồng biên soạn cũng nên có các cuộc làm việc chung trước khi soạn sách để có cái nhìn nhất quán, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.

Trao đổi về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đổi mới đội ngũ giáo viên có tính chất sống còn và phải làm mới đội ngũ cũ. Vấn đề là phải xây dựng một chương trình bồi dưỡng để có thể bắt tay ngay vào việc bồi dưỡng cả triệu giáo viên hiện nay, trong đó chú trọng xây dựng chương trình học, kiến thức mới trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý học lứa tuổi và cả phương pháp, kỹ thuật dạy học. Ba năm là đủ để làm công việc này”.

“Với những thay đổi trong chương trình học rất cần những đợt tập huấn với quy mô rộng rãi, không nửa vời được. Cùng với tập huấn, bồi dưỡng cần có kiểm tra, đánh giá chính giáo viên. Như vậy, việc thực hiện chương trình học mới có sự giám sát chặt chẽ và hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên trường THPT Ngô Thì Nhậm (Ninh Bình) chia sẻ.

Lê Vân - TTN

Đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện
Đào tạo lại giáo viên một cách toàn diện

Việc đổi mới chương trình học nằm trong lộ trình đổi mới giáo dục thời gian qua đã được Bộ GD - ĐT tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo… Hàng loạt giải pháp đồng bộ đã và đang được Bộ GD - ĐT thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN