Hàng xóm không thấy bóng dáng anh T suốt mấy tháng nay, tường và cửa nhà anh thì loang lổ sơn kèm những dòng chữ hăm doạ. Nhìn vậy ai cũng đều hiểu chuyện gì đã xảy ra. Lại thêm bà L. mẹ anh hiếm khi ra ngoài chuyện trò với hàng xóm như trước, gặp người thân thiết thì chỉ mắt ngân ngấn mà rằng “thằng T vay nặng lãi, giờ phải trốn rồi, tôi ở đây thì lúc nào cũng nơm nớp sợ”.
Đó là tình cảnh dễ thấy ở những xóm lao động, những vùng ven đô bộn bề lo toan, và cũng có thể ở bất cứ nơi nào với nhiều biểu hiện khác nhau. Càng về cuối năm, hoạt động siết nợ càng ráo riết, đẩy nhiều người vay, nhiều gia đình vào cảnh khốn khổ, thậm chí có người bị dồn đến đường cùng bằng cái chết.
“Tín dụng đen” hay “cho vay nặng lãi” là vấn nạn đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua, bất chấp nhiều biện pháp xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng. Mới tuần trước, hơn 250 cảnh sát đã đồng loạt đột kích 9 địa điểm, tạm giữ 193 người liên quan đường dây cho vay với lãi suất lên đến trên 500%/năm, do một người đàn ông nước ngoài cầm đầu. Đối tượng này và một số đồng phạm đã thuê người lập hàng chục công ty làm bình phong cho hoạt động cho vay nặng lãi qua các ứng dụng. Người vay không trả lãi đúng hạn sẽ bị ghép hình ảnh, nhắn tin, gọi điện để đe dọa.
Một đường dây như vậy khá điển hình cho hoạt động “tín dụng đen” thời nay. Nếu như trước đây tội phạm tín dụng đen truyền thống thường dán quảng cáo cho vay ở tường nhà, cột điện, thì hiện nay, bọn chúng đã tận dụng công nghệ, biến tướng hoạt động dưới dạng kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính. Tội phạm “tín dụng đen” sử dụng mạng xã hội, website, các ứng dụng (app) cho vay, thậm chí lập các app giả của ngân hàng, công ty uy tín để dụ dỗ, mời chào vay tiền, khiến thị trường nhiễn loạn, người dân không phân biệt được đâu là hoạt động lừa đảo, đâu là công ty hợp pháp. Hoạt động cho vay nặng lãi còn gắn liền với đòi nợ kiểu “xã hội đen”, từ chửi bới, tạt sơn, tạt chất bẩn, đe doạ hãm hại người thân, đến ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, thậm chí có trường hợp còn mang quan tài, vòng hoa đến nhà người vay để khủng bố tinh thần. Tội phạm tín dụng cũng đa dạng hơn, không chỉ là những tay “anh chị” trong nước, mà các đối tượng từ nhiều nước trên thế giới cũng đang nhắm đến khách vay Việt, với lãi suất không tưởng, có khi tới 1.000%/năm.
“Tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ với những người vay bị đẩy vào cảnh cùng quẫn, mà còn gây rối loạn môi trường trật tự, an ninh xã hội. Việc xử lý đã được đưa ra bàn thảo nhiều, các cơ quan chức năng tốn nhiều công sức triệt phá, nhưng vấn nạn này vẫn như dịch bệnh lan tràn, đặc biệt là vào dịp cuối năm. Đã đến lúc chúng ta cần áp dụng những giải pháp căn cơ hơn để giải quyết triệt để “tín dụng đen”, vừa hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn, vừa làm lành mạnh môi trường tài chính.
Phải nhìn nhận một thực tế là người đi vay đều nhận thức được “tín dụng đen” đồng nghĩa với gánh nặng lãi cao, nhưng họ cực chẳng đã phải “đưa cổ vào tròng” khi không tìm được nguồn vay “sạch”. Vì thế, để chặn "tín dụng đen", một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn “sạch” cho người dân thông qua các tổ chức tín dụng hợp pháp. Các tổ chức tín dụng cần đa dạng hình thức, phương thức cho vay; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua các hội đoàn, tổ chức chính trị-xã hội. Thời gian qua, không ít tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng đã thực hiện các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người lao động, đặc biệt là các nhu cầu phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc người lao động chưa nắm rõ thông tin về gói vay ưu đãi này và tình trạng thất nghiệp, mất việc làm tăng cao ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của người lao động. Hoạt động tín dụng tiêu dùng những năm gần đây đã được đẩy mạnh, nhưng cần ưu tiên hỗ trợ những người yếu thế, như các nhóm công nhân, lao động nghèo.
Tuy nhiên, việc khơi thông tín dụng tiêu dùng sẽ cần động lực từ cả hai phía. Người vay được tạo điều kiện, nhưng quyền đối với bên cho vay cũng cần được bổ sung. Hiện nay tình trạng quyền của chủ nợ còn thấp và thiếu, khiến các công ty tài chính hợp pháp gặp khó khăn trong thu nợ, dẫn đến vòng luẩn quẩn là họ không thể không tăng lãi suất và siết các điều kiện cho vay, từ đó làm khó cho người cần tiền, đẩy họ tìm đến những lựa chọn vay tiêu cực.
Một cản trở với nỗ lực xóa “tín dụng đen” là khung pháp lý và mức chế tài với hoạt động này còn yếu, chưa đủ sức răn đe. Với tình trạng cho vay trái phép biến tướng và tràn lan như hiện nay thì cần phải tăng nặng hơn khung pháp lý và chế tài xử phạt mới mong tội phạm tín dụng không “nhờn luật”. Và song song với đó, là sự cần thiết phải tăng cường truyền thông hơn nữa, đặc biệt là đến những người yếu thế trong xã hội về chính sách tín dụng hợp pháp, cũng như những thủ đoạn mới và hậu quả của các hình thức cho vay nặng lãi.
Năm hết Tết đến, người cho vay thì rốt ráo thu tiền, người vay thì xoay sở trả nợ - lãi. Đó là sự vận hành bình thường của bất cứ môi trường tín dụng nào, nếu như hoạt động vay – trả diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, trong một xã hội bảo đảm được trật tự an sinh tới cả những người đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất.