1. Chuyện thứ nhất:
Dự án “Vay bò trả bê" (hộ nông dân nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn được “cho vay” bò giống, sau khi bò giống đẻ ra bê, hộ gia đình được vay bò giống có nghĩa vụ trả nợ bằng bê) được thực hiện tại 19 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở 5 huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang (tỉnh Tuyên Quang). Sau hơn 9 năm, từ 444 con bò ban đầu cho 444 hộ nông dân nghèo và gia đình chính sách vay đã đẻ ra 1.290 con bê, bước đầu đã giúp cho 89 hộ nông dân thoát nghèo.
2. Chuyện thứ hai:
Năm 2009, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đầu tư 650 triệu đồng mua 130 con bò cái sinh sản cấp cho 130 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các buôn Băng Cung, PLum của xã vùng Ea Tul. Thế nhưng đến nay, đàn bò cái sinh sản ở buôn Băng Cung chỉ còn 58 con, giảm 11 con, buôn PLum cũng chỉ còn 40 con, giảm 21 con so với khi mới được cấp. Nguyên nhân do nhiều hộ đã ồ ạt bán bò để mua sắm các phương tiện sinh hoạt khác. Và cứ chiều hướng này, đàn bò được Nhà nước đầu tư miễn phí cho đồng bào có nguy cơ xóa sổ.
3. Việc “cho vay” và “cấp” bò ở hai câu chuyện nói trên tuy có sự khác nhau ở hình thức nhưng cùng một bản chất: Cung cấp “vốn” ban đầu để hỗ trợ đồng bào nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Tuy nhiên, cùng việc làm ấy nhưng ở hai địa phương nêu trên lại dẫn đến hai kết quả khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
4. Điều này có nguyên nhân quan trọng từ bản thân các hộ được cấp bò, nhưng cũng có trách nhiệm của cán bộ cơ sở. Sở dĩ dự án ở Tuyên Quang thực hiện có hiệu quả là do trước khi triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã tập huấn cho những hộ được vay bò về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, đồng thời cử cán bộ theo dõi giám sát và giúp đỡ các hộ dân... Còn nếu cho “cần câu” mà không tuyên truyền, hướng dẫn “cách câu” và giám sát chặt chẽ thì cũng chẳng khác gì đưa cho bà con “xâu cá”; cái vốn để phát triển sản xuất xóa nghèo đã lập tức biến thành miếng thịt chín để giải quyết vấn đề trước mắt. Và bà con nghèo vẫn hoàn nghèo.
5. Qua hai câu chuyện trên cho thấy, muốn giúp bà con thoát nghèo, đòi hỏi cả năng lực quản lý, tổ chức thực hiện, kiến thức sản xuất, và cái tâm của người cán bộ cơ sở.
Tuệ Duyên