“Một cửa”

Thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy, 98% trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước đã triển khai thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; 42/63 tỉnh, thành phố triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại; 9 tỉnh, thành phố (trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương) triển khai mô hình "chất lượng cao" ở tất cả đơn vị hành chính cấp huyện… "Một cửa", "một cửa liên thông" được coi là mô hình mang tính chất đột phá trong công tác cải cách hành chính.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá hiệu quả của mô hình này không thể chỉ nhìn vào những con số có tính chất thống kê. Hoạt động thực tế và những kết quả cụ thể của "một cửa", "một cửa liên thông" - mới chính là thước đo thực chất của công tác này. Mới đây, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, dù "một cửa” bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng người dân vẫn còn phàn nàn, kêu ca ở nhiều lĩnh vực.


Đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính của nhiều địa phương cho thấy, việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông" ở một số nơi, một số đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sai hẹn, chủ yếu là các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, xây dựng; tài nguyên và môi trường; lao động - thương binh và xã hội.


Thực tế cho thấy, không phải nơi nào cũng quan tâm và đầu tư thích đáng cho bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Bất cập lớn nhất của công tác này chính là khâu cán bộ. Những nơi cán bộ được lựa chọn kỹ, được tạo điều kiện làm việc và dĩ nhiên được giám sát chặt chẽ, thì nơi đó công việc trôi chảy, được lòng dân.


Ngược lại, ở những nơi cán bộ lơ là trách nhiệm, thiếu sự công tâm, thì ở nơi đó để lại điều tiếng, thậm chí gây cản trở cho quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Vướng nhất trong thực hiện cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông" vẫn là các quy trình liên thông chưa rõ ràng. Hình ảnh người dân chen chúc, chờ đợi, đi lại nhiều lần để giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa được khắc phục triệt để.


Một vấn đề khác rất đáng lưu tâm, là trong thời gian dài thực hiện cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông", có khá nhiều thủ tục hành chính bị trả chậm so với thời gian quy định, nhưng dường như cán bộ thực thi nhiệm vụ đều coi đó nguyên nhân khách quan (cơ chế, chính sách chưa rõ, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ…). Đáng lẽ, hơn ai hết, chính những cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính phải hiểu rõ thủ tục nào đang vướng mắc gì, vì sao vướng? Với cán bộ ở bộ phận “một cửa”, nếu có tâm và tinh thần trách nhiệm cao với công việc, thì chính cán bộ đó sẽ chủ động đề xuất cách giải quyết hoặc báo cáo lãnh đạo hay cơ quan ban hành chính sách để kịp thời tháo gỡ.


Vấn đề nằm ở chỗ, các ngành, địa phương và mỗi con người thực thi nhiệm vụ có nhận thức được vấn đề, có tâm huyết với công việc mình làm và có đủ quyết tâm để cải cách hay không mà thôi.



Yến Nhi

Một cửa nhưng nhiều khóa

Lên phường, phường nói lên BHXH quận. Tôi lại lóc cóc xe đạp đến quận. Gặp cán bộ BHXH quận, quận lại giới thiệu lên thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN