Mong manh như đèn trước gió

Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi đã ví von như vậy khi đề cập đến những áp lực đối với ngành chăn nuôi Việt Nam khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.


Quả đúng vậy, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi nước ta. Nếu không kịp thời khắc phục những tồn tại vừa nêu, khi tham gia TPP, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm thịt bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước sẽ không đủ sức cạnh tranh.

Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 11 triệu hộ chăn nuôi, trong đó có tới 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm. Trong số này, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ chiếm 65 - 70%, các hộ này thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ, bị phụ thuộc nhiều vào thương lái. Chăn nuôi nhỏ lẻ nên dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ khiến các chi phí đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc thú y... đều cao hơn so với sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, giá thành sản xuất ra luôn cao hơn so với khu vực và trên thế giới 20 - 30%.

Trong khi đó, khi Việt Nam gia nhập TPP, các loại thuế nhập khẩu sẽ được gỡ bỏ, điều này sẽ tạo sức ép không nhỏ đối với ngành chăn nuôi trong nước. Thực tế, hai mặt hàng được coi là chủ lực trong chăn nuôi của nước ta là thịt bò và thịt lợn, thì cả hai mặt hàng này giá thành đều cao. Trong khi thịt bò nhập khẩu từ Australia với mức thuế 5% cộng thêm các khoản phí khác, thì giá cũng chỉ cao hơn chút đỉnh so với thịt bò trong nước. Chính vì vậy, trong các siêu thị ở các thành phố lớn, thị bò Australia đang áp đảo thịt bò Việt Nam.

Có ý kiến lo ngại, ngành chăn nuôi nước nhà sẽ không đủ sức đua tranh trong một thị trường khốc liệt, có độ mở cao. Bởi khi mở cửa thị trường, các sản phẩm chế biến, các loại thịt gia súc, gia cầm sẽ ồ ạt tràn vào với giá thành rẻ hơn. Người tiêu dùng trong nước có nhiều cơ hội lựa chọn và sẽ được hưởng lợi... Nhưng với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong lĩnh vực này, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ… sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi không đủ sức cạnh tranh. Thực tế, năng suất sản xuất gia cầm của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với mức trung bình thế giới. Vấn đề con giống cũng là một trong những điểm yếu chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Một vấn đề khác là chi phí đầu vào cao dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi cao, sức cạnh tranh yếu. Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong chăn nuôi, giá thành thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở nước ta cao hơn khoảng 10-15% do thức ăn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất tăng cao. Chưa hết, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi (hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp chỉ chiếm khoảng 20%).

Ý kiến các chuyên gia cho rằng, không có cách nào khác là phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, tái cơ cấu phải bắt đầu từ yêu cầu của thị trường quốc tế và trong nước. Cần phải có những điều tra cụ thể để nắm rõ nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường thế giới và ở thị trường trong nước như thế nào, từ đó có định hướng cụ thể để tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng xuất khẩu là chính hay phục vụ thị trường nội địa là chính. Quan trọng hơn cả là Việt Nam cần tập trung vào sản phẩm chăn nuôi có lợi thế nhằm tăng sức cạnh tranh.

Yến Nhi
Siết nhập khẩu thịt gà để ổn định chăn nuôi
Siết nhập khẩu thịt gà để ổn định chăn nuôi

Thời gian qua, thịt gà nhập khẩu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước. Có thời điểm giá đùi gà nhập khẩu xuống còn từ 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất trong nước là 28.500 đồng/kg. Thực trạng này khiến các doanh nghiệp, trang trại và nông dân chăn nuôi gà đang “đứng ngồi” không yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN