Tôi hỏi đùa:
-Thế các bác không sợ lỡ tiêm thì bị “sốc” à?
Ông bác nửa đời đi biển trả lời, không ngần ngại:
-Không. Khi người ta đưa mình “chiếc phao”, thì tại sao không nắm lấy? Mọi người đều mong, cháu ạ.
Sự mong đợi của những người dân quê tôi về mũi tiêm vaccine COVID-19 là hoàn toàn chính đáng. Quả thực, trong lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các quốc gia trên toàn thế giới đã và đang phải áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn sự lây lan, thì vaccine chính là “chiếc phao cứu sinh”, giúp bảo vệ bản thân và người khác. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ vaccine COVID-19 có thể bảo vệ người tiêm, tránh sự lây lan của virus, giúp người bệnh nếu lỡ mắc COVID-19 thì sẽ không diễn biến nghiêm trọng hơn… và quan trọng là tạo nên một cộng đồng “sạch” khi đạt một tỷ lệ tiêm nhất định.
Nhận thức được tầm quan trọng của vaccine, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã dành sự ưu tiên cho công tác nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, song song với việc nỗ lực tìm kiếm các nguồn vaccine COVID-19 từ các quốc gia và các nhà sản xuất trên toàn thế giới. Các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tích cực hưởng ứng đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19. Số tiền đóng góp từ cộng đồng, đến nay đã lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, với mong muốn chung tay cùng Chính phủ sớm đàm phán thành công và mang được vaccine COVID-19 về nước. Điều này cũng cho thấy sự mong mỏi thiết tha của người dân Việt Nam với việc sớm “phủ sóng” vaccine COVID-19 trên toàn quốc, từ đó xây dựng cộng đồng an toàn trước dịch bệnh, là tiền đề cho ổn định đời sống, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo thông tin mới nhất, hôm nay 20/6, dự kiến khoảng 500.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ đến Việt Nam. Như vậy, nguồn vaccine COVID-19 tại nước ta sẽ khá dồi dào, khi có mặt hàng loạt tên tuổi: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V.., và nay thêm Vero Cell. Vào thời điểm mà vaccine COVID-19 vẫn là một món hàng “cung không đủ cầu” trên toàn thế giới, thì mỗi một đơn hàng vaccine được đàm phán thành công, chứa trong nó rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và các lực lượng liên quan. Mỗi mũi tiêm vaccine COVID-19 cũng càng trở nên quý giá, và nói như ông bác miền Trung của tôi, là vào mùa lũ, mỗi “cọng rơm” cũng như một chiếc phao, là cơ hội sống còn của ít nhất một con người.
Tuy nhiên, vào thời điểm xuất hiện thêm nhiều loại vaccine, thì trong cộng đồng, cũng xuất hiện những đắn đo, so sánh. Điều này manh nha từ khi chủ trương tiêm vaccine mới bắt đầu, bởi có những người lo ngại về khả năng bị sốc phản vệ ở mức độ nặng khi tiêm (luôn có một tỷ lệ nhất định, dù nhỏ). Tiếp sau đó, là sự cân nhắc khi đặt lên bàn cân từng loại vaccine, với phạm vi chủng ngừa, tỷ lệ phần trăm phòng bệnh… Thậm chí, có những ý kiến bày tỏ sự không yên tâm về nguồn gốc quốc gia cung cấp hay sản xuất vaccine, và thẳng thắn cho biết sẽ từ chối tiêm loại vaccine này, vaccine khác.
Những tính toán kể trên là điều dễ hiểu, bởi mỗi con người có quyền cân nhắc và quyết định với sinh mạng của bản thân mình. Sự thực là loại vaccine nào cũng có thể có tác dụng phụ ở những mức độ khác nhau, và bản thân các nhà khoa học cũng vẫn đang tiếp tục tìm hiểu các vấn đề như: Mức độ mà vaccine có thể ngăn không để làm lây lan virus gây bệnh COVID-19 cho người khác, dù người đã tiêm không có các triệu chứng bệnh; thời gian bảo vệ của vaccine COVID-19, nhất là khi ngày càng nhiều biến chủng của SARS-CoV-2 được phát hiện ra... Các nhà khoa học và nhà sản xuất cũng vẫn đang tìm hiểu xem số lượng người phải được tiêm chủng COVID-19 để khẳng định miễn dịch toàn dân… Nghĩa là còn không ít những nội dung cần phải giải quyết liên quan quanh một mũi tiêm nhỏ xíu.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp như hiện nay thì vai trò của vaccine là không thể phủ nhận. Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã và đang nỗ lực hết sức, nhằm cung cấp đủ vaccine COVID-19 cho người dân Việt Nam, nhanh chóng “phủ” vaccine để tạo miễn dịch toàn dân, phòng tránh những thiệt hại do dịch bệnh đem lại về cả người và của. Bên cạnh những lợi ích của vaccine, thì quy trình sản xuất, các quy định để được phê duyệt lưu hành theo tiêu chuẩn thế giới là điều không thể phủ nhận. Dù là của quốc gia nào, sản xuất theo công nghệ nào, thì mỗi loại vaccine khi ra đời đều phải bảo đảm các quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo mang tới những mũi tiêm an toàn nhất cho mỗi người dùng. Các Chính phủ cũng đều có những điều kiện phê duyệt riêng, với các quy định, khuyến cáo… để ngăn chặn những vaccine kém chất lượng, hoặc các hoạt động lừa đảo về vaccine có thể gây hại cho con người.
Chính vì vậy, trách nhiệm của mỗi cá nhân, là ủng hộ chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 như ủng hộ chương trình những chiếc phao cứu sinh mang tới sự an toàn trong dịch bệnh; đồng thời mỗi người cần tìm hiểu cặn kẽ, tin tưởng tuyệt đối vào những nỗ lực của các lực lương chức năng, kịp thời đưa ra quyết định đúng đắn nhất để bảo vệ bản thân và bảo vệ cả cộng đồng.