Mạnh tay với ‘ma men’

Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2019, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, rất nhiều người đã e dè khi cầm đến chén rượu, ly bia trong các đám cưới, tiệc tất niên… bởi mức phạt khá cao cùng chế tài khá nặng.

Thế nhưng, chỉ sau một năm, dường như nhiều người đã “quên” mất nghị định này, khi tình trạng người say xỉn vẫn lái xe trên đường đã và đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm. Điều này rất dễ nhận thấy khi tham gia giao thông vào buổi tối, với nhiều trường hợp người say xỉn điều khiển ô tô hoặc xe máy chạy lạng lách trên đường, thậm chí tự gây tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác.

Hiện có rất nhiều căn cứ luật để xử phạt người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Giao thông đường bộ 2008; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019... Trong đó, cụ thể nhất là Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức xử phạt người điều khiển xe ô tô mà trong người có nồng độ cồn ở mức thấp nhất là 6 triệu đồng và cao nhất lên đến 40 triệu đồng; đối với người đi xe máy có mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 tháng cho đến 2 năm. Đây là mức chế tài không nhẹ đối với người tham gia giao thông nhưng trong người có rượu, bia.

Bên cạnh đó, từ ngày 15/11/2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực (thay thế nghị định 176), tại Điều 30 cũng có quy định phạt cụ thể cho từng hành vi uống rượu, bia với mức phạt lên đến 3 triệu đồng đối với cá nhân và 5 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức…

Hàng năm, cả nước có hàng trăm vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia khiến nhiều người “sáng ra khỏi nhà nhưng chiều không trở về”. Luật đã có, các nghị định về xử phạt cụ thể cũng đã có, tuy nhiên cơ quan chức năng được giao trọng trách xử lý có lúc đã lơi lỏng, không thường xuyên liên tục dẫn đến nhiều người “quên” rằng đã có luật, thậm chí là nhờn luật. Hiện mỗi tối, các quán nhậu ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh vẫn đông người “chén chú chén anh” kể từ khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và sau cuộc nhậu ấy, không ít người tự cầm lái ô tô hoặc xe máy để về nhà.

Từ ngày 15/12, nhiều địa phương trên cả nước như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đồng loạt ra quân mở cao điểm đảm bảo an toàn trật tự giao thông và phòng chống tội phạm từ nay cho đến Tết Nguyên đán. Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông, trong đó có kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe. Điều này sẽ góp phần hạn chế được tình trạng người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông trên đường, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, việc xử lý hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông cần được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục và cương quyết chứ đừng đợi chỉ đến những dịp cao điểm mới ra quân. Bởi, chỉ có việc xử lý thường xuyên, liên tục thì mới “nhắc nhở” được người dân không quên và có ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm khắc và thậm chí thực hiện chế tài hình sự đối với những trường hợp say xỉn khi điều khiển phương tiện giao thông và có hành vi chống đối lực lượng chức năng hoặc gây tai nạn.

Các tổ chức xã hội cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức được vấn đề và tự giác chấp hành. Bởi, chỉ khi người dân tự ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, với cộng đồng thì mới có thể hạn chế được hành vi vi phạm mà không phải cần đến xử lý theo pháp luật.

“Đã uống rượu, bia không lái xe” là slogan được đưa ra trong năm 2020 nhằm thay đổi dần thói quen của người tham gia giao thông, hạn chế tác hại của đồ uống có cồn với xã hội. Hy vọng nó trở thành câu nằm lòng của mỗi người dân khi ra đường, chứ không phải chỉ được thực hiện trong năm 2020.

Minh Thuyết
Ngồi chung một thuyền
Ngồi chung một thuyền

Nhiều người đã đầu tư vốn mua phương tiện, điện thoại để chạy Grab với mong muốn có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi. Nhưng trên thực tế, họ phải làm việc bất kể ngày đêm, không ít người làm quá 8 tiếng/ngày, thù lao chủ yếu dựa vào những cuốc xe họ chạy được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN