Lúng túng chuyện xử phạt mũ bảo hiểm rởm

Theo Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, từ 1/7/2014, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng. Nhưng cái khó là người sử dụng vẫn hết sức mù mờ trong việc phân biệt mũ thật, mũ rởm. Còn với người thi hành công vụ (cảnh sát giao thông), bằng mắt thường không dễ khẳng định đâu là mũ không đúng quy cách, không bảo đảm chất lượng để mà giải thích với người tham gia giao thông khi họ thắc mắc.

 

Một vướng mắc khác là theo quy định Nghị định 171, thì chỉ có xử phạt chứ không có hướng dẫn việc xử lý chiếc mũ không đúng chất lượng đó ra sao. Nếu thu mũ, sẽ dẫn đến việc người dân phải để đầu trần điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Nếu không thu, rất có thể người vi phạm lại tiếp tục sử dụng mũ cũ.


Không ít người lập luận rằng, sử dụng mũ bảo hiểm thật, giả đều bắt nguồn từ ý thức của người dân. Rồi, người tiêu dùng phải nhận thức được chất lượng của nó ra sao trước khi bỏ tiền mua? Nhiều người luôn có ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, nhưng không có đủ kiến thức để nhận biết nên mua phải mũ giả.


Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về “Mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy”, mũ bảo hiểm có kết cấu gồm ba thành phần chính: Vỏ cứng, lớp xốp giảm chấn và quai mũ có khóa cài. Mũ bảo hiểm hợp lệ trên mũ phải được dán tem chứng nhận hợp quy có tên của tổ chức chứng nhận hợp quy, phải có nhãn thể hiện tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, thời gian sản xuất... Nhưng thực tế, trên thị trường có rất nhiều loại mũ giả mạo, kém chất lượng, vẫn có đủ ba thành phần theo quy định. Vậy nên, rất có thể, người tiêu dùng bỏ tiền mua mũ thật, nhưng chắc gì đã mua được mũ thật! Đấy là lỗi của họ chăng? Phía các cơ quan chức năng, có cả hệ thống quản lý, con người, công cụ và thiết bị hỗ trợ…, ấy vậy mà các cơ sở sản xuất mũ kém chất lượng vẫn tồn tại, vẫn có đất để sống, thậm chí sống “ngon”. Với suy luận như vậy, người dân có quyền đặt lại vấn đề, rằng các cơ quan chức năng đã không làm hết trách nhiệm, để mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn nguy hiểm đến tính mạng.


Cần khẳng định rằng, ý thức của người dân luôn đồng hành với chủ trương, chính sách đúng đắn, sát với thực tế, vì cái chung. Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã rất thành công mà trước năm 2007 khó ai ngờ tới, bởi nó hợp lòng dân (đội mũ bảo hiểm an toàn cho tính mạng), người dân chấp hành khá tốt. Tuy nhiên, cũng xảy ra tình trạng người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm theo kiểu đối phó với lực lượng chức năng, nên họ sẵn sàng sử dụng mũ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng. Ăn theo việc này là trên các vỉa hè, một số tuyến phố ở các đô thị lớn bày bán tràn lan các loại mũ bảo hiểm thời trang, kém chất lượng. Rất tiếc, một bộ phận người dân không nghĩ đến hậu quả của việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Bên cạnh đó, dù biết rõ những trường hợp đội mũ bảo hiểm rởm, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông không có cơ sở để phạt. Nếu cơ quan công quyền giải quyết triệt để tình trạng mũ bảo hiểm chất lượng kém được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường, thì việc buộc người điều khiển phương tiện cởi mũ ra để kiểm tra chất lượng, rồi phạt nếu vi phạm… mới có tính thuyết phục.


Triệt tiêu mũ bảo hiểm rởm để bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Do vậy, người tiêu dùng luôn trông chờ vào sự quyết tâm, mạnh tay của các cơ quan chức năng trong việc loại bỏ vĩnh viễn mũ bảo hiểm rởm. Nhiều ý kiến đề xuất, việc xử phạt người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chất lượng chỉ thực hiện khi đã có sự truyền thông, hướng dẫn để người dân có thể phân biệt, đồng thời các nhà sản xuất phải cam kết, cung cấp các điểm bán mũ đạt chuẩn. Nói cách khác, là phải giải quyết vấn đề từ gốc trước (nhà sản xuất), sau đó mới tính đến chuyện xử phạt. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, phổ biến cách phân biệt mũ rởm, mũ thật; tiếp đến xử lý triệt để, tiêu hủy ngay mũ bảo hiểm kém chất lượng.

 

Yến Nhi

Ngày đầu 'xiết' mũ bảo hiểm: Tuyên truyền, nhắc nhở là chính
Ngày đầu 'xiết' mũ bảo hiểm: Tuyên truyền, nhắc nhở là chính

Ngày 1/7, lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố đã ra quân xử lý người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN