Thông tin chẳng mấy vui khi những ngày nghỉ Tết Ất Mùi cận kề: Kể từ tháng 2/2015, rất nhiều địa phương, nhất là những địa phương có các di tích, danh thắng nổi tiếng đồng loạt thông báo tăng giá vé tham quan. Quan điểm của ngành du lịch, trong bối cảnh kích cầu du lịch nội địa, giảm giá tour, nâng cao chất lượng dịch vụ, thì việc các địa phương đồng loạt tăng giá vé tham quan sẽ “lợi bất cập hại”.
Du khách tham quan Khu du lịch Đại Nam. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN |
Phần lớn các địa phương lý giải rằng, việc tăng giá vé được áp dụng sau khi có sự chấp thuận của Bộ Tài chính và được HĐND tỉnh thông qua. Rằng, giá vé tham quan ở Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với các khu di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tại một số điểm trong nước và của các nước trong khu vực. Do vậy cần thiết phải tăng giá nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và chủ động hơn về nguồn lực cho việc bảo tồn di sản. Đây cũng là lý do được đa số các địa phương thanh minh khi công bố tăng giá vé tham quan di tích, danh thắng.
Ý kiến một số chuyên gia du lịch cho rằng, việc tăng giá vé không chỉ gây khó cho doanh nghiệp lữ hành trong việc bình ổn giá tour, mà còn dẫn đến tình trạng một số điểm đến sẽ mất khách. Sẽ không có gì đáng nói, nếu việc tăng giá vé tham quan nằm trong kế hoạch phát triển du lịch của địa phương và được thông báo trước cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều công bố tăng giá vé một cách bất ngờ khiến các đơn vị lữ hành trở tay không kịp, đồng thời họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chào bán tour. Đã có không ít điểm du lịch vấp phải sự tẩy chay vì việc tăng giá vé mà chưa có sự đồng thuận của doanh nghiệp lữ hành và du khách. Mặt khác, việc một số địa phương tăng giá vé tham quan mà không có sự trao đổi với các doanh nghiệp, thì trước tiên những địa phương chịu ảnh hưởng vì du khách và doanh nghiệp không mặn mà với điểm đến đó.
Thật sai lầm khi một số địa phương đặt nặng doanh thu từ việc bán vé mà xem nhẹ việc đầu tư phát triển dịch vụ du lịch. Bởi trên thực tế, giá vé tham quan chỉ là yếu tố phụ, yếu tố có khả năng làm lợi cho địa phương nói riêng và ngành du lịch nói chung là dịch vụ nhà hàng, mua sắm, khách sạn… Không thể phủ nhận, việc tăng giá vé tham quan sẽ góp phần làm tăng nguồn thu để có vốn đầu tư trở lại cho di tích, danh thắng. Tuy nhiên, để chủ trương đó nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp và của đông đảo du khách, đem lại lợi ích thực sự và bền vững, thì các địa phương cần xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể, đồng thời phải bảo đảm chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé tham quan.
Thực hiện kích cầu du lịch, rất cần có sự hợp tác của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ cấu thành một sản phẩm. Đó không chỉ là trách nhiệm vì quyền lợi chung, mà còn thể hiện một phong cách làm việc chuyên nghiệp và tầm nhìn dài hạn. Hơn nữa, trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa với mục tiêu “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”, thì việc tăng phí tham quan sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của khách du lịch nội địa, do vậy rất cần các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những địa phương là trung tâm du lịch trọng điểm xem xét thấu đáo.
Yến Nhi