Theo lý giải của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án, do thời tiết mưa nhiều trong thời gian thi công, đồng thời khi đưa vào khai thác, lượng xe tải trọng lớn lưu thông trên tuyến với mật độ cao…, là nguyên nhân chính của sự cố trên.
Cũng theo VEC, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát, tổng hợp đầy đủ các yếu tố tác động đến như thời tiết, lưu lượng xe, tải trọng lên mặt đường, thậm chí kể cả động đất.
Vậy tại sao đường lại nhanh xuống cấp đến như vậy? Liệu có phải nguyên nhân là do “mưa đầu mùa” và “do xe quá tải” như nhận định của VEC, hay còn nguyên nhân nào khác chưa được làm sáng tỏ? Trong cách nhìn nhận sự việc, vấn đề trách nhiệm thuộc về ai và cách xử lý đơn vị, cá nhân liên quan như thế nào, chưa được cơ quan chức năng đề cập một cách thỏa đáng.
Công trình đường giao thông vừa làm xong đã lún, nứt, ổ gà, ổ trâu không phải chuyện hiếm gặp ở nước ta. Rất nhiều dự án giao thông lớn có vốn đầu tư cả ngàn tỉ đồng cũng không tránh khỏi điệp khúc hỏng hóc - sửa chữa - hỏng hóc. Không ít tuyến đường xuống cấp ngay trong thời gian bảo hành, nhưng cả thời gian dài vẫn không được chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa.
Có thể kể ra một nghìn lẻ một lý do làm các công trình nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp. Nổi cộm là những kẽ hở trong khâu quản lý dự án, tổ chức đấu thầu, tuyển chọn tư vấn, giám sát, sử dụng vật liệu, công nghệ thi công, kiểm định chất lượng, nghiệm thu công trình...
Có điểm chung là rất nhiều công trình giao thông được đầu tư bằng vốn ngân sách không được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của pháp luật. Các công trình dù là trọng điểm hay không trọng điểm đều có vấn đề, từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát đến thi công, nghiệm thu công trình, thậm chí có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Hệ quả là hiệu quả đầu tư giảm, công trình chậm tiến độ và chất lượng thi công không bảo đảm, công trình vừa đưa vào sử dụng đã trục trặc.
Đề cập nguyên nhân đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, một chuyên gia giao thông lập luận rằng, ở quốc gia nào cũng vậy, khi triển khai xây dựng công trình đường cao tốc, không thể tránh những đoạn, tuyến gặp vấn đề về địa chất (phần lớn là nền đất yếu, mạch nước ngầm)… Vấn đề là nhà thầu phải chọn giải pháp xử lý thế nào cho hiệu quả.
Phải thừa nhận rằng, ngành giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý các dự án, công trình giao thông với nỗ lực hạn chế những sự cố kiểu như ổ gà, ổ trâu xảy ra ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đã có vụ việc, người đứng đầu các doanh nghiệp để xảy ra sự cố đã bị xử lý bằng hình thức cho thôi chức, hoặc bị thay thế... Nhưng thật đáng buồn, hậu quả của công trình này chưa giải quyết xong, thì sự cố tương tự lại tái diễn ở những công trình khác.
Một lần nữa, vấn đề trách nhiệm lại được đặt ra đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến công trình kém chất lượng. Dù cho thôi chức, hoặc thay thế lãnh đạo dự án mà ngành giao thông từng thực hiện, có lẽ vẫn chưa tương xứng với hậu quả của các công trình kém chất lượng, mà nguyên nhân xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân có liên quan.
Phải thấy rằng, một khi chất lượng công trình giao thông không bảo đảm thì sẽ tiềm ẩn vô vàn những rủi ro và hậu quả sẽ thật khó lường. Điều này không những tốn kém chi phí cho việc sửa chữa, duy tu, mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân về năng lực quản lý cũng như việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho các công trình, dự án giao thông.
Cứ nhìn vào chất lượng các công trình giao thông, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc ở nước ta được xây dựng trong thời gian gần đây, đã đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về sự lãng phí. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng. Cụ thể, sự xuống cấp của cao tốc Đà Nẵng- Quản Ngãi nếu không quy rõ trách nhiệm, thì việc xử lý sẽ không tới đầu tới đũa và căn bệnh lãng phí, tiêu cực ở các dự án giao thông sẽ khó bị đẩy lùi.