Làm báo ở Sơn La khó quá!

Thực hiện đề tài sắp xếp đổi mới nông, lâm trường ở Sơn La, phóng viên chờ 3 ngày vẫn không được “diện kiến” một vị lãnh đạo tỉnh, vì lý do bận họp; xuống huyện có giấy giới thiệu của Văn phòng UBND tỉnh, nhưng cán bộ văn phòng huyện đòi hỏi phải có công văn, oái ăm còn cử người thẩm định…

Thực hiện nhiệm vụ của Ban biên tập giao, tôi có mặt tại tỉnh Sơn La và liên hệ qua điện thoại với ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La để trao đổi công việc. Tôi nhận được câu trả lời: “Bạn thông cảm, dạo này báo chí đánh mạnh quá nên vấn đề 1.400 tỷ đồng thì dừng lại, vì nó đã lắng rồi và Chính phủ cũng có kết luận; còn đề tài khác thì cứ phải liên hệ qua Văn phòng”.

Theo lời ông Chủ tịch tỉnh, tôi liên hệ với Văn phòng xin đặt lịch phỏng vấn lãnh đạo tỉnh, nhưng chờ 3 ngày ở thành phố Sơn La vẫn không được “diện kiến”. Tôi xin giấy giới thiệu làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, để tìm hiểu tình hình hoạt động và sắp xếp các nông, lâm trường trên địa bàn. Vị Phó Giám đốc Sở tên Phong nói: “Việc này các anh phải sang Sở Kế hoạch và Đầu tư mới đúng, chúng tôi chỉ là cơ quan tham mưu của tỉnh thôi”. Sang Sở KH&ĐT Sơn La, người đại diện lại nói “các anh làm đề tài này thì phải sang Sở Nông nghiệp”. Để chứng minh Sở mình không đùn đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, người cán bộ này còn mang ra Quyết định số 01/QĐ-HĐTĐ do Chủ tịch Hội đồng thẩm định, ông Lò Mai Kiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ký ngày 12/6/2015 về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiểu quả hoạt động của các công ty nông, lâm trường…

Không gặp được lãnh đạo tỉnh để làm việc, tôi đành đi xuống cơ sở, lấy ý kiến của huyện và các nông, lâm trường. Trên đường xuống huyện Mai Sơn (Sơn La), tôi liên hệ qua điện thoại với ông Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện, nhưng theo lời của vị này thì phóng viên phải có công văn, kế hoạch mới làm việc. Tôi nói có giấy giới thiệu của UBND tỉnh xuống làm việc, có nội dung rõ ràng, nhưng ông Tuấn nhất quyết không đồng ý. Nước cùng, tôi đành điện thoại cậy nhờ Chánh Văn phòng UBND tỉnh điện thoại xuống “có lời” với lãnh đạo huyện thì mới được tiếp chuyện và bố trí lịch làm việc.

Tiếp tục chuyến công tác, tôi đi từ huyện Mai Sơn xuống huyện Vân Hồ. Gặp Phó Chánh văn phòng UBND huyện, tôi trình giấy giới thiệu của tòa soạn và trao đổi nội dung tuyên truyền về công tác chuẩn bị cho năm học mới. Rút “kinh nghiệm lần trước”, tôi lại cậy nhờ ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La, gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp. Ấy mà, máy vừa mới tắt, ông Chánh Văn phòng huyện gọi ngay cho chuyên viên Phòng Văn hóa huyện sang để... thẩm định giấy giới thiệu (?!)

Kể chuyện này cùng các đồng nghiệp các báo, đài thường trú tại Sơn La, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Họ không lạ gì với kiểu làm khó dễ này. Sơn La là tỉnh miền núi và đặc biệt khó khăn, phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương lên công tác, tìm hiểu tư liệu viết bài tuyên truyền trên tinh thần xây dựng. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện của Sơn La nên phối hợp, trao đổi thông tin, để làm rõ nội dung mà phóng viên của các cơ quan báo chí quan tâm. UBND tỉnh và các huyện có quy chế người phát ngôn là đúng, nhưng việc làm khó phóng viên tác nghiệp thì chỉ xảy ra mỗi ở Sơn La.

Việt Hoàng
Người làm báo thực sự là chiến sỹ
Người làm báo thực sự là chiến sỹ

Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam và lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 đã diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN