Mấy ngày gần đây, trên một số tuyến phố ở Thủ đô như Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Giải Phóng..., người tham gia giao thông không còn bắt gặp những dải phân cách cứng bằng bê tông, mà được thay vào đó bằng các vạch sơn phản quang. Dù còn hằn vết nham nhở khi những tấm bê tông được dỡ đi, vẫn có cảm giác, đường phố như thoáng đãng và rộng rãi hơn; người tham gia giao thông, đặc biệt vào buổi tối - cũng vơi đi nỗi lo đâm phải dải phân cách cứng, nguy hiểm tới tính mạng.
Cuối năm 2010, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện phân làn chia tách ôtô, xe máy đi theo đường riêng trên một số tuyến phố của Thủ đô với hy vọng ý thức tham gia giao thông của người Hà Nội sẽ được cải thiện hơn, tránh việc tùy tiện lấn làn, gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu triển khai, việc tách làn bằng dải phân cách cứng đã vấp phải luồng dư luận khác nhau. Có ý kiến cho rằng, đây là một giải pháp cần thiết nhằm tạo dựng ý thức cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cũng có luồng dư luận, dù rất tốn kém, nhưng dường như những dải phân cách cứng không phát huy được tác dụng như mong muốn.
Thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn, những dải phân cách này thường bị người tham gia giao thông đâm phải, gây hư hỏng và lại mất thêm một khoản kinh phí để sửa chữa. Không những thế, nó chẳng khác những chướng ngại vật trên đường, hết sức nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện đâm vào dải phân cách, gây bức xúc trong dư luận. Tại một số kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều cử tri đã kiến nghị, cần thay thế dải phân cách cứng bằng vạch sơn phản quang, vừa tạo mỹ quan đô thị, đồng thời giảm bớt sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trong cuộc gặp gỡ báo giới mới đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân khẳng định, không có chuyện lãng phí khi tháo dỡ dải phân cách, vì nó tiếp tục được sử dụng để tổ chức phân làn ở một số tuyến phố khác. Ông Tân cũng nhấn mạnh, lý do tháo dỡ các dải phân cách vừa nêu là ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã được cải thiện đáng kể. Trên những tuyến phố triển khai phân làn, tình trạng lấn làn tuy còn nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, trái với nhận định của ông Tân, các dải phân làn cứng sau khi được phá bỏ, tình trạng đi sai làn, lấn làn không những không được cải thiện, mà còn nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Việc tháo gỡ dải phân cách cứng trong những ngày qua, cũng như việc nhiều con lươn, con trạch được dựng trên một số tuyến phố Thủ đô những năm trước..., đã cho thấy tầm nhìn trong quy hoạch giao thông cũng như các giải pháp chống ùn tắc giao thông của Hà Nội rất thiếu chuyên nghiệp, cảm tính và bất hợp lý. Hệ quả, là khoản vốn không nhỏ - trong đó có cả vốn vay, đã bị sử dụng một cách lãng phí. Còn nhớ, vào thời điểm 2003 - 2005, khi hàng loạt con lươn, con trạch, thậm chí cả những bồn hoa mọc lên ở một số tuyến phố..., dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ về sự “vung tay quá trán”, “vẽ hươu vẽ vượn”, sử dụng tiền vay không đúng mục đích của những người làm giao thông ở Thủ đô.
Để tạo diện mạo mới cho giao thông đô thị Thủ đô, rất cần sự tính toán khoa học và tinh thần trách nhiệm cao của những người trong cuộc. Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến người dân và chính quyền nơi có các tuyến phố dựng dải phân cách và hơn hết, đó chính là ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người dân Thủ đô.
Yến Nhi