Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, ở nhiều địa phương trên cả nước, người dân đã và đang trở về quê để đón Tết. Những “Chuyến xe mùa Xuân” miễn phí cho sinh viên khó khăn đã lăn bánh, những “Chuyến xe 0 đồng”, nhiều tấm vé xe khách, vé tàu, máy bay đã được chuyển tới những công nhân, lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong tuần cuối cùng của năm, dự báo số lượng người về quê đón Tết sẽ ở mức cao.
Nhưng thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày cả nước có trên dưới 15.000 ca mắc. Vì vậy, để đón “Tết sum họp-Xuân an toàn”, các biện pháp phòng chống dịch dịp Tết được đẩy mạnh. Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.
Hiện nay, các địa phương cũng đang nỗ lực, tích cực, linh hoạt trong công tác phòng chống dịch, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Tuy nhiên, thời gian qua, để thực hiện công tác phòng chống dịch, có địa phương đã đưa ra những quy định “cứng nhắc” dẫn đến “gây khó” cho người dân khi có dự định về quê ăn Tết như: yêu cầu người về từ vùng cam thực hiện xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Có địa phương còn phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình đang học tập, làm việc, sinh sống ngoài tỉnh hạn chế đến hoặc trở về trong thời gian nghỉ Tết.
Nhưng câu chuyện không chỉ là nỗi lo và băn khoăn cho ngày về, mà còn là nỗi trăn trở cho hành trình trở về, nhất là nhà có con nhỏ khi đi máy bay. Theo quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ của Bộ GTVT thì hành khách đi máy bay từ địa bàn khác (không phải dịch cấp 4, vùng phong tỏa) cần đáp ứng một trong ba điều kiện; trong đó có quy định phải có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh trong 72 giờ trước chuyến bay. Với quy định này, trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine sẽ phải xét nghiệm COVID-19 trước khi lên máy bay. Điều này đã khiến nhiều gia đình có trẻ nhỏ bối rối khi thực hiện các thủ tục tại sân bay, có gia đình phải bù thêm tiền để chuyển sang chuyến bay khác nhằm có thể đủ thời gian làm xét nghiệm cho con. Quy định này, theo nhiều người là đã gây khó cho người dân, bởi thực tế hiện nay, trẻ dưới 12 tuổi ở Việt Nam chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 do chưa có vaccine. Thậm chí, có ý kiến trong ngành y còn cho rằng, phần lớn trẻ mắc COVID-19 là do người lớn lây sang và nguy cơ trẻ mắc rất thấp nếu bố mẹ tuân thủ biện pháp chống dịch, đã tiêm đủ vaccine. Vì vậy, việc quy định trẻ dưới 12 tuổi phải xét nghiệm trước khi lên máy bay liệu có thực sự cần thiết?
Trước những bất cập nêu trên, với sự băn khoăn của người dân và cả sự vào cuộc của báo chí, các cơ quan chức năng đã có chỉ đạo và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê đón Tết. Gần đây, ngày 22/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch và không phải cách ly y tế. Theo Bộ Y tế, việc tạo điều kiện cho người dân trong nước về quê ăn Tết và không phải cách ly y tế được thực hiện trên cơ sở việc tiêm chủng vaccine đạt tỷ lệ cao: 100% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1; 95,6% người tiêm mũi 2; 18,6% người tiêm mũi 3; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi một đạt 94,1%, mũi hai 82,2%.
Ngày 21/1, Bộ GTVT cũng đã có điều chỉnh tại văn bản về tiêu chuẩn, điều kiện hành khách, tổ bay trên các chuyến bay nội địa chở khách thường lệ. Theo đó, Bộ này đã quyết định “nới lỏng” điều kiện với khách đi máy bay nội địa. Chỉ hành khách cư trú, lưu trú, trước chuyến bay tại địa bàn ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong toả mới cần có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ. Hành khách từ các địa bàn khác (không phải dịch cấp 4, vùng phong tỏa) sẽ không phải trình giấy đã tiêm đủ liều vaccine hay giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19. Trẻ em từ địa bàn này sẽ không phải xét nghiệm trước chuyến bay.
Trước đó, tại Công điện số 64/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương “không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trái với quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán”. Đây là chỉ đạo hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ; tạo thêm niềm vui, sự hứng khởi khi Tết đến, Xuân về.
Tuy nhiên, để thích ứng linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, nhất là khi các điều kiện đi lại được nới lỏng, cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của mỗi cá nhân cần được đặt ở mức cao nhất.
Để đón một cái Tết vui và an toàn, người dân cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong hành trình về quê đón Tết, không chỉ là tình cảm nghĩa tình với quê hương, xóm làng, gia đình, người thân, mà mỗi người cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết nhất, tìm hiểu kỹ các thông tin phòng dịch của địa phương để có thể chủ động đáp ứng, xử lý trong mọi tình huống.
Trong thời điểm có số lượng người trở về địa phương tăng cao bằng nhiều phương tiện khác nhau (ô tô, xe máy, máy bay, tàu hoả), để góp phần giảm bớt khó khăn cho lực lượng quản lý ở địa phương, người về quê chủ động khai báo y tế, có thể thực hiện xét nghiệm hoặc test nhanh COVID-19 trước khi về cũng là cách để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch.
Trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, có những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV- 2 không có triệu chứng bệnh thì việc đi chúc Tết hoặc gặp mặt đông người cũng nên được cân nhắc. Hành trình về quê ăn Tết chỉ có thể có được niềm vui trọn vẹn khi đảm bảo an toàn cho bản thân và tất cả mọi người.