Không chỉ cần một cây cầu

Một chiếc túi nilon vừa người chui, được những thanh niên khỏe mạnh - một tay giữ miệng túi - tay kia sải nước bơi sang bờ bất chấp dòng nước đang băng băng chảy xiết. Người được đưa qua suối trong túi ni long là học sinh và giáo viên của xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên).


Clip rất chân thực của một giáo viên vùng cao khiến dư luận bàng hoàng. Vẫn biết giáo dục vùng khó là vất vả, là thiếu thốn. Nhưng nhìn cảnh cô giáo, học trò hàng ngày nín thở đem sinh mạng của mình đặt cược vì sự học - điều đó vừa đáng khâm phục, vừa xót xa.


Trên mạng xã hội, nhiều “thực tiễn qua suối” của thầy và trò các vùng khó cũng được chia sẻ: ôm săm ô tô vượt suối; treo mình trên lốp xe đu theo dây thay cầu, rồi người chèo, người tạt nước ra khỏi miệng thuyền ngấp nghé... Điều này cho thấy: cơ sở vật chất đối với sự nghiệp giáo dục không chỉ thiếu ở bảng đen, phấn trắng, sách vở, đồ dùng, mà ngay cả những điều kiện thuận lợi cho việc đi - chỉ đi học thôi - đối với học sinh vùng cao vẫn hết sức thiếu thốn.


Ngay sau khi clip được đăng tải, Bộ GT - VT đã quyết định xây dựng một cây cầu treo tại bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, nhằm xóa bỏ tình cảnh các em học sinh nơi đây phải chui vào túi nilon để qua suối tới trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ngay lập tức yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục triển khai ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo an toàn cho thầy và trò khi tới trường. Cụ thể là các địa phương cần chủ động, linh hoạt sắp xếp chương trình, thời gian dạy học trong năm phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện thực tế của từng địa phương.


Tuy nhiên, chủ trương “sống chung với khó khăn” của Bộ GD- ĐT không phải giải pháp cuối cùng. Và một cây cầu, một con đường của Bộ GT-VT không bao giờ là đủ, cho nhu cầu đến trường của hàng trăm ngàn học sinh vùng khó cả nước.


Những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo, nguồn trái phiếu Chính phủ..., cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp đã được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GD- ĐT, giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa hết khó khăn. Vấn đề thiếu trường, lớp vẫn là bài toán khó.


Chính vì vậy, bên cạnh sự quan tâm, chung sức góp phần của toàn xã hội, mỗi địa phương vùng khó cần nhanh chóng rà soát và quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, ưu tiên xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên nhà bán trú cho học sinh, tăng cường hơn nữa các lớp học, điểm trường cho các cụm dân cư miền núi. Chỉ có biện pháp đó, mới có thể chấm dứt được những cảnh đến trường trong nơm nớp lo âu, mới có thể đảm bảo sĩ số học sinh, và tạo thuận lợi cho cả người học và người dạy.


Và có như vậy, sự nghiệp giáo dục ở vùng cao mới có cơ sở để chuyển mình.

 

T.H

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo làm cầu Nậm Pồ
Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo làm cầu Nậm Pồ

Ngay vào sáng ngày 18/3, một cây cầu với mức vốn xây dựng 3,5 tỷ đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định đầu tư xây dựng trên con suối Nậm Pồ - con suối với những đứa trẻ chui vào túi nilon để qua cầu đang làm “nóng” dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN