Khi lòng tin bị đánh cắp

Tuần qua là khoảng thời gian đầy sóng gió trong quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, khi mà bê bối nghe lén của Mỹ nhằm vào các nước đồng minh châu Âu liên tục bị phơi bày. Các tờ báo tại Anh, Pháp, Đức đồng loạt đăng tải thông tin cho thấy, có đến 35 nhà lãnh đạo quốc gia bị Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi, trong đó có cả Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp. Trong khi truyền thông còn chưa kịp định dạng bản chất của hành động trên là gì, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì hành động mà bà cho là “xâm phạm lòng tin” giữa các đồng minh quốc tế.


Châu Âu bực dọc với Mỹ vì hoạt động nghe lén này là phi pháp? Có lẽ không phải thế. Tình báo và do thám là cuộc chơi đầy tàn khốc, chẳng có quy định nào cấm theo dõi các nước đồng minh. Hiện chỉ có 4 nước trên thế giới có thể miễn nhiễm trước các hoạt động nghe lén của Washington - là những nước kí hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, bao gồm Anh, Canada, Australia và New Zealand, trong đó quy định việc cấm nghe lén lẫn nhau.


Liệu châu Âu hoàn toàn không hay biết bị Mỹ nghe lén? E rằng điều này cũng không chính xác. Tại lục địa già chắc nhiều người đã nằm lòng câu nói nổi tiếng của huân tước người Anh Pamerston mà sau này được nhiều chính khách như Winston Churchill, Henry Kissinger trích dẫn lại, trở thành nguyên tắc chi phối trong quan hệ quốc tế: Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn. Ứng vào trường hợp này có thể thấy cả Đức, Pháp, Italy... cũng đã đoán biết Mỹ có tiến hành do thám nhằm vào lãnh thổ nước mình và thừa hiểu công nghệ cho phép Mỹ làm được điều đó.


Các nước trên chỉ không biết một điều: Quy mô, mức độ, tính chất các chương trình nghe lén của Mỹ. Sự mơ hồ này dường như đã đặt họ vào thế buộc phải sống bằng lòng tin ở nhiều cấp độ khác nhau. Rộng nhất thì cho rằng chương trình do thám chỉ được Mỹ sử dụng cho các mục đích “hợp pháp” như theo dõi khủng bố, các nước thù địch. Kế đến, nếu Mỹ nhằm vào người dân, các công ty, tổ chức nước sở tại thì cũng có thể tạm chấp nhận, vì đó là một phần của cuộc chơi. Nhưng giới hạn cuối cùng - do thám giới lãnh đạo mà cao nhất là người đứng đầu chính phủ, nhà nước thì là điều mà các đồng minh châu Âu không thể chấp nhận được nữa, vì lòng tin khi đó đã bị đánh cắp!


Lòng tin là một phần tất yếu trong quan hệ quốc tế. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là lòng tin phải được đặt đúng chỗ, đúng người, dựa trên thực tiễn khách quan. Các đồng minh của Mỹ dường như đã quá cả tin và quên mất một điều rằng lòng tin đôi khi chẳng có chế tài nào ràng buộc. Bản chất của người Mỹ và văn hóa Mỹ là thực dụng. Ở tầm hoạch định chính sách quốc gia thì đặc điểm này lại được khắc sâu thêm đặc trưng vụ lợi. Giới cầm quyền Mỹ có thể làm bất cứ điều gì miễn là thu thu vén được lợi ích cho họ.


Cuối cùng, vụ bê bối nghe lén vừa qua cho thấy điều gì? Lẽ phải thường thuộc về kẻ mạnh, nhưng kẻ mạnh chưa chắc đại diện cho lẽ phải. Vụ scandal này đã chứng tỏ “kẻ mạnh” Mỹ hiện ở thế đuối lý trước một thực tế đã được phơi bày rõ: Washington không thể đóng vai là người “vô tội” được nữa. Kỉ nguyên của thói đạo đức giả đã kết thúc!


Hoài Thanh

Chương trình nghe lén mang mật danh Minaret
Chương trình nghe lén mang mật danh Minaret

Ngày 25/9 vừa qua, Cơ quan lưu trữ quốc gia thuộc đại học George Washington (Mỹ) đã công bố các tài liệu giải mật về hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong hai thập kỉ 1960, 1970.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN