Hầu như các địa phương, nhất là cấp cơ sở, đều đang rất cần đội ngũ cán bộ công chức có năng lực chuyên môn, nhưng mấy năm gần đây, nhiều nơi khó có thể giữ chân cán bộ. Chẳng hạn, theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, chỉ riêng 9 tháng của năm 2021, đã có gần 1.000 cán bộ y tế xin nghỉ việc và 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã có vài trăm người tiếp tục xin nghỉ. Cùng với đó, mấy năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã có đến hàng ngàn cán bộ, công chức xin nghỉ việc, trong đó không ít người nằm trong chương trình thu hút nhân tài.
Không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, tình trạng cán bộ, công chức xin nghỉ việc ở khu vực công trên cả nước cũng khá lớn và ở hầu hết các lĩnh vực. Trong số các cán bộ, công chức xin nghỉ việc, nhiều người không phải do năng lực chuyên môn hạn chế hoặc sức khỏe yếu, thậm chí còn là những người làm việc rất tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.
Lý giải cho nguyên nhân nhiều cán bộ, công chức xin nghỉ việc, không ít người cho rằng, đó là do thu nhập của họ quá thấp. Thực tế hiện nay, thu nhập của cán bộ công chức khá thấp so với thu nhập từ các đơn vị ngoài công lập. Đơn cử như ở ngành giáo dục, nếu một giáo viên có thâm niên khoảng 15 năm thì tổng thu nhập từ lương và phụ cấp chỉ ở mức khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, làm sao để họ có thể yên tâm cống hiến cả tâm trí, sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục khi họ còn phải lo cho gia đình, con cái?. Chưa kể, nếu một sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường, sau khi được ký hợp đồng dài hạn, với mức lương chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng thì làm sao họ có thể trang trải được cuộc sống ở một thành phố khá đắt đỏ?
Thu nhập thấp, thế nhưng nhiều cán bộ, công chức còn phải đối mặt với quá tải công việc. Theo đó, hầu như hiện nay các cơ quan, đơn vị đều phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giảm số người làm việc. Nhân sự ít đi trong khi đầu việc vẫn như thế, thậm chí là tăng lên, cùng với đó là cả số lượng phục vụ cũng tăng lên (vì dân số tăng lên mỗi năm chứ không giảm đi).
Không chỉ vậy, thực tiễn cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị mặc dù đã thu hút được một số người giỏi về làm việc với các chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn, nhưng sau thời gian ngắn, không ít người trong số họ lại tìm đường ra đi. Những lý do không kém phần quan trọng khác khiến cơ quan nhà nước không giữ được chân cán bộ xuất phát từ cơ chế, môi trường làm việc và chính từ người quản lý.
Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị chưa coi trọng năng lực của cán bộ, công chức; bố trí, sử dụng cán bộ không hợp lý, nhiều nơi có nhân sự đông nhưng người làm việc thật sự lại ít; những cán bộ, công chức có tâm huyết, có năng lực chuyên môn và làm việc tốt lại chưa được khen thưởng, động viên kịp thời… Chưa kể một số nơi, còn có tình trạng trù dập cán bộ và tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền làm nảy sinh tiêu cực ngay trong nội bộ. Bên cạnh đó, việc đề bạt cán bộ, tuy có theo quy trình, nhưng vẫn còn dân chủ hình thức, chưa thực sự chọn ra người có tài, đức hoặc làm theo diện “gởi gắm”… dẫn đến môi trường làm việc bị gò bó, mang tính áp đặt, thiếu động lực cho cán bộ, công chức phát triển…
Áp lực công việc cao cộng với mức thu nhập “khiêm tốn” cùng với môi trường làm việc “ngột ngạt” đã khiến nhiều người phải rời bỏ công việc đang làm để tìm đến một công việc mới tốt hơn. Đó là điều tất yếu!
Dẫu biết, trong quá trình phát triển của xã hội, nhất là đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, vận hành theo cơ chế thị trường thì các mối quan hệ lao động trong xã hội cũng thay đổi và việc cạnh tranh nguồn nhân lực, nhân tài cũng là tất yếu. Tuy nhiên, cán bộ, công chức nhà nước phải luôn là “cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Do vậy, để giữ chân được cán bộ, cần có những giải pháp giúp họ an tâm, phát huy được năng lực chuyên môn, cống hiến nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước.
Để làm được điều đó, điều đầu tiên là phải tính đến việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức bằng những cơ chế, chính sách mới. Bởi, khi nguồn thu nhập của cán bộ, công chức có đảm bảo được cuộc sống gia đình thì họ mới an tâm, dành hết tâm trí của mình cho công việc phục vụ nhân dân, đất nước. Đây cũng là giải pháp hạn chế tình trạng thoái hoá, biến chất của cán bộ, công chức dẫn tới hành vi tham nhũng “vặt”, tham nhũng hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để vụ lợi cá nhân…
Bên cạnh đó, cần tạo lập môi trường làm việc thông thoáng, dân chủ thật sự. Bởi hiện nay, nhiều nơi chưa thật sự tạo ra môi trường cần thiết cho việc dựng tài, phát huy sự sáng tạo, sự say mê và khát khao cống hiến của những người tài năng cho công việc chung. Hoặc có nơi, dù có chính sách đãi ngộ nhưng vẫn còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, phức tạp… làm nản lòng những người tài. Thậm chí, nhiều nơi hiện nay còn tuyển dụng theo dạng “thân quen”, “tiền tệ”, “hậu duệ” nên đã và đang hạn chế đáng kể cơ hội của những người thật sự có trí tuệ, tài năng muốn được vào làm việc tại khu vực công.
Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng tạo lập nên môi trường làm việc tốt để mỗi cá nhân làm việc và cống hiến chính là không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin từ lãnh đạo. Lãnh đạo phải dám làm, dám chịu trách nhiệm; tin tưởng ở cán bộ, tạo mọi điều kiện để cán bộ chủ động, phát huy sáng tạo và chịu trách nhiệm về kết quả công việc; tập thể phải tin tưởng vào cán bộ và ủng hộ họ, làm việc cùng họ để cùng đạt được mục tiêu.
Trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực quyết định chất lượng phát triển và cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng ngày càng diễn ra khốc liệt hơn đối với lĩnh vực đời sống, giữa các tổ chức có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực. Khu vực công, bao gồm các cơ quan, tổ chức nhà nước, các đơn vị công lập không thể đứng ngoài cuộc cạnh tranh này. Để giành được “trái tim”, “khối óc” và sự cống hiến của cán bộ, công chức, buộc khu vực công phải thật sự có sự cải cách và thay đổi.