Điểm tựa mong manh

Chỉ còn hơn một tháng nữa năm 2012 sẽ kết thúc. Vậy mà thế giới vẫn chưa nhìn thấy kết quả nào đáng kể để có thể hy vọng bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa hơn.


Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, khu vực từng được xem là một trong những "điểm tựa" vững chắc cho kinh tế thế giới trong suốt nhiều năm qua, không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí còn tiếp tục lan rộng. Không chỉ tác động tới đời sống kinh tế, nó còn quyết định cả đời sống chính trị tại nhiều nước, khiến cho những xáo trộn xã hội càng trở nên sâu sắc hơn.


Ở tâm điểm của “bão” nợ công, Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vào cuối tháng này nếu không nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ 2 trị giá 130 tỷ euro của nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế.


Việc Quốc hội "xứ sở thần thoại" hôm 12/11 thông qua luật ngân sách khắc khổ năm 2013 càng khẳng định nội lực tài chính của nước này đang hết sức bi đát. Nguy cơ thành viên này phải rời khỏi Eurozone chưa được loại trừ.


Trong khi đó, nội bộ EU ngày càng nảy sinh nhiều bất đồng, từ bài toán ngân sách đến giải pháp xử lý khủng hoảng..., mọi vấn đề đều khó tìm được tiếng nói chung. Việc cuộc họp của Nghị viện châu Âu (EP) và giới lãnh đạo EU về ngân sách tài khóa 2013 đã không diễn ra theo dự kiến do không thống nhất được về gói ngân sách bổ sung 9 tỷ euro cho kế hoạch chi tiêu năm 2012, một lần nữa khẳng định sự bất đồng đã lên đến đỉnh điểm.


Bên cạnh một châu Âu đầy rẫy khó khăn và thách thức, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - cũng chẳng có mấy tiến bộ. Thâm hụt ngân sách đã tăng mạnh trong tháng đầu tiên tài khóa 2013, báo hiệu năm thứ 5 liên tiếp thâm thủng ngân sách liên bang vượt quá 1.000 tỷ USD, thêm gánh nặng cho khoản nợ quốc gia sắp vượt trần 16.400 tỷ USD.


Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng đang được dự báo bước vào tăng trưởng âm. Số liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy, kinh tế quý III/2012 đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với quý trước. Trong báo cáo sơ bộ về chỉ số tổng hợp chủ chốt của Nhật Bản trong tháng 9/2012, nội các nước này đã hạ mức đánh giá cơ bản về chỉ số ngẫu nhiên từ "yếu" xuống ngưỡng "báo hiệu khả năng sắp tới điểm ngoặt". Sự thay đổi này cho thấy "đất nước Mặt Trời mọc" có thể đã bước tới điểm ngoặt hướng tới tăng trưởng âm. Nếu các chỉ số ngẫu nhiên trong tháng 10/2012 chuyển sang mức âm, đánh giá cơ bản về kinh tế Nhật Bản có thể bị điều chỉnh xuống mức "tồi tệ hơn".


Nhìn lại năm 1997, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khi đó các nền kinh tế châu Âu và Mỹ khỏe khoắn, những định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) rất sung sức, việc giải cứu khủng hoảng hoàn toàn nằm trong tầm nay. Giờ đây, khi các nền kinh tế lớn nhất, hùng mạnh nhất đang suy yếu, “điểm tựa” vững chắc cho kinh tế thế giới còn đâu.



Lý Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN