Con số được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thông báo mới đây khiến không ít người giật mình: Chỉ qua 2 tháng kiểm tra, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện và xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép; qua đó tước giấy phép lái xe của 170 trường hợp, tạm giữ gần 250 phương tiện các loại. Rõ ràng, tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề gây nhức nhối, mà một trong những nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia quá đà.
Tình trạng lái xe lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đang diễn ra khá phổ biến. Đối tượng vi phạm quy định này nhiều nhất được phát hiện trên quốc lộ với hơn 36%, đường đô thị 27%, huyện lộ gần 15%, tỉnh lộ 14%... Đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải nghiêm túc chấp hành quy định này thì lại là đối tượng vi phạm nhiều nhất.
Có lẽ, các thực khách khi đến quán nhậu đều ý thức được tác hại của sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các thực khách cũng biết rõ sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép khi lái xe sẽ bị xử phạt, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ biện minh rằng, dù có chếnh choáng hơi men, nhưng họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái! Nói vậy để thấy, cứ sau giờ tan tầm, lượng xe máy, ô tô của các tửu đồ lại chật kín các quán nhậu.
Còn nhớ vào thời điểm này năm ngoái, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) và Phòng CSGT Công an Hà Nội đã chọn ba quận nội thành là Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng làm điểm kiểm tra, xử phạt người điều khiển xe ô tô, mô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn. CSGT đã bố trí cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục để nắm tình hình ở khu vực nhà hàng, quán nhậu, khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu vi phạm lập tức thông báo cho lực lượng chốt tại các tuyến đường kiểm tra, xử lý vi phạm. Ấy vậy, không phải lái xe nào cũng chấp hành nghiêm việc kiểm tra. Một số khi được yêu cầu thổi ống đo nồng độ cồn, thì họ thổi ngắt quãng khiến máy đo không phát huy được tác dụng. Có không ít chủ quán nhậu vì sợ mất khách nên khi phát hiện lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang, đã ngầm báo cho các đệ tử “lưu linh” để họ tìm cách đối phó…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện đã có tới trên dưới 30 văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến rượu, bia; nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương cũng ban hành các văn bản mang tính nội bộ nhằm hạn chế cán bộ, viên chức, người lao động uống rượu, bia khi đến công sở… Tuy nhiên, tình trạng người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn không giảm. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chỉ dừng ở phạt hành chính nên dẫn đến nhờn luật…
Do vậy, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm không thể dừng ở các đợt ra quân, làm điểm, mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc làm đó không phải của riêng lực lượng cảnh sát giao thông, mà cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn xã hội.
Yến Nhi