Đánh tan ‘khói đen’ xuyên tạc, bóp méo

Khi đã “gieo” được những hạt giống của việc tiếp nhận và xử lý thông tin như vậy, chúng ta sẽ tin tưởng tới ngày mà rừng cây “đầu nguồn” này được gieo hạt sẽ giúp cản phá, khiến ‘luồng khói đen’ của đám cháy thông tin xấu, độc, chống phá không còn cơ hội lan tràn, tác yêu, tác quái!

Trong vụ việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, ít nhất đã 6 lần người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thay mặt Chính phủ, có phát ngôn chính thức, phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam…

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép. Ảnh Văn Điệp/TTXVN

Sự lên tiếng của người Phát ngôn Bộ Ngoại giao là kịp thời, khẳng định tiếng nói mạnh mẽ của Đảng, của Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình! Cùng với đó, chúng ta cũng tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; để tạo một diễn dàn quốc tế đấu tranh với Trung Quốc.

Thực tế là như vậy, thế nhưng, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, những kẻ theo “thuyết âm mưu” vẫn không ngừng tìm cách bóp méo sự thật, “vu” cho Đảng và Nhà nước đứng ngoài cuộc, thờ ơ với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam, thậm chí là “bán biển Đông”. Bọn chúng dùng chiêu bài lòng yêu nước, kích động những người không hiểu biết hùa theo thể hiện sự bất mãn, phê phán với Đảng và Nhà nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Dù đây là một chiêu bài rất cũ, nhưng vẫn có nhiều người mắc mưu, trong đó, không ít người là những trí thức, có học thức, có hiểu biết, thậm chí là có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Cũng không ít người, vốn sinh ra trong những gia đình đã từng có nhiều cống hiến cho cách mạng.

Một trong những chiêu bài khác được các thế lực thù địch “chăm chú” đẩy mạnh thời gian qua là việc "chính trị hóa" các vụ án hình sự. Từ những vụ án đơn lẻ, chúng đã thổi phồng, xuyên tạc, lái vụ việc sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Mục đích là nhằm hạ uy tín của các cơ quan công quyền, cơ quan thực thi pháp luật; gây nhiễu thông tin, hướng lái dư luận ngả theo quan điểm sai trái, bất mãn.

Xung quanh vụ xét xử nguyên nhà báo Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cưỡng đoạt tài sản, chiếm đoạt 200 triệu đồng lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, một số trang mạng phản động đã cố tính xuyên tạc thành Việt Nam vi phạm tự do báo chí, chính quyền Việt Nam gài bẫy, đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng lao lý. Hơn thế, còn bóp méo quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về công cuộc chiến chống tham nhũng, thậm chí xuyên tạc rằng đây là cuộc đấu đá của phe cánh, có sự bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng.

Chú thích ảnh
Công an tỉnh Điện Biên khám nghiệm ngôi nhà của đối tượng Bùi Văn Công và vợ là Bùi Kim Thu tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên trong vụ án nữ sinh giao gà. Ảnh: Võ Văn Dũng/TXVN

Hay trong vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại dịp Tết vừa qua, dù công an đã sử dụng tối đa lực lượng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đồng bộ vào cuộc khẩn trương điều tra, làm rõ, nhưng trên nhiều trang web, thậm chí 1 số tờ báo trong nước, trang facebook cá nhân, đã có bài viết công kích công tác phá án, tung tin có nội dung bịa đặt bôi nhọ lực lượng công an, đặt vấn đề có hay không sự non kém, thiếu nghiệp vụ, sự hời hợp, thiếu trách nhiệm của ban chuyên án…

Trong một bối cảnh xã hội mà thông tin trở thành một “tài nguyên” ai cũng có thể tiếp cận và khai thác, ai cũng có thể “làm báo” với trang facebook của mình… thì quả thật việc xuyên tạc, lợi dụng các sự việc, hiện tượng, bóp méo sự thật để thực hiện mục đích chống phá của các thế lực đã ngày càng đáng lo ngại.

Người ta có thể không tin vào những thông tin của các trang mạng phản động đưa ra; có thể bỏ qua những lời kích động, chống phá trực diện. Nhưng khi những “chống phá” này đến từ từ, qua chính những đăng tải, lời kể… của bạn bè, đồng nghiệp, người thân, hàng xóm… thì không phải lúc nào cũng dễ dàng bỏ qua. Nói một lần cho là tào lao, nói hai lần, ba lần… tự nhiên đọc và nghe rồi cũng bị “ngấm”, bản thân cũng bị ảnh hưởng và nảy sinh nghi ngờ “không có lửa sao có khói” với những thông tin có tính chống phá, bóp méo kể trên. Nhất là khi những thông tin này có tính “lay động”, đánh lòng thương cảm như vụ cháu bé trường Gateway…Và như vậy, các thế lực thù địch đã thành công bước nào trong việc “gieo rắc” và “lan truyền” thông tin xấu độc, làm bào mòn lòng tin của con người với chế độ, với Đảng và Nhà nước.

Khi “đạn” đã được bọc đường của những chiêu bài tinh vi; khi “đạn” đến từ chính những người xung quanh ta, thì sự chống đỡ đã không còn đơn giản nữa. Khả năng tỉnh táo để phân tích, đánh giá cũng bị “bào mòn”. Chỉ cần một chút lung lay và chủ quan yếu lòng, là có thể chúng ta cũng đã bước qua sợi chỉ lằn ranh của sự thật và xuyên tạc.

Vậy nên, hơn lúc nào, cần sự tỉnh táo trong mỗi quần chúng, đảng viên… Cần sự tỉnh táo để tiếp nhận, xử lý thông tin và lan truyền thông tin trong xã hội; qua đó tạo ra sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” trước các thông tin xuyên tạc, bóp méo.

Khi tiếp nhận thông tin, cần biết đặt câu hỏi: Thông tin đến từ đâu, vì sao có thông tin này, độ chính xác của thông tin là bao nhiêu, mục đích của người đưa ra thông tin là gì, thay vì vô tư đón nhận và lan truyền bằng những cú click chuột trên mạng, bằng những câu chuyện “buôn dưa lê” mà bất chấp hậu quả, tác hại nó mang tới.

Và với góc độ một đảng viên, không chỉ là việc bản thân tỉnh táo trước thông tin xấu, độc; mà cần dẫn dắt, hướng dẫn quần chúng, trực tiếp là người dân, bạn bè, độc giả… có nhận thức đúng, đủ về các sự việc, hiện tượng mà mình được thông tin; cần phân tích, phản bác để quần chúng nhận ra được âm mưu thâm độc ần giấu sau những thông tin tưởng chừng rất đáng tin cậy ấy; dần dần giúp hình thành một “bộ lọc” trong việc tiếp nhận và lan truyền thông tin trong xã hội.

Chú thích ảnh
TS Lê Thị Chiên, giảng viên Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại hội thảo"Vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng lý luận của Đảng". Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Ở góc độ một người dân, cũng cần có trách nhiệm hơn khi tiếp nhận và xử lý thông tin; để tử đó dần dần “miễn dịch” với các chiêu trò thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn. Thậm chí, biết lên tiếng đấu tranh, phê phán, phản bác những bài viết có nội dung thông tin thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng mà mình tham gia.

Nghi ngờ và phản biện là điều cần thiết, tuy nhiên, nên đặt những nghi ngờ và phản biện vào “đúng chiến tuyến”. Hãy đặt nghi ngờ và phản biện với những thông tin đến từ các nguồn không chính thức như cộng đồng mạng, những cá nhân quá khích; các thông tin có tính dẫn dắt dư luận theo hướng tiêu cực, các thông tin gây nhiễu loạn xã hội, gây hoang mang, mất lòng tin trong con người, kích động bạo lực và gây mất trật tự xã hội… Kiểu như các vụ việc kích động biểu tình vì cho rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước “bán biển Đông” nói trên.

Chú thích ảnh
Ngày 7/10/2019, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Kỹ năng thông tin, tuyên truyền đối ngoại về quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông". Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Ở góc độ các nhà báo là người nắm giữ quyền lực thứ tư trong xã hội, cần có sự vững vàng và tỉnh táo khi đặt bút, trau dồi bản lĩnh chính trị, để đã đặt bút là chuẩn chỉ, tạo ra các tác phẩm báo chí có giá trị, chất lượng và chính xác, thật sự trở thành người tham gia định hướng thông tin cho xã hội; nói sự thật, hướng tới những điều “chân, thiện, mỹ”, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp và tiến bộ hơn. Cùng với đó, cần trau dồi ngòi bút “xung kích” của mình trong cuộc đấu tranh phản bác lại các thông tin xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch; chủ động xây dựng những bài viết phản hồi, phản biện… từ đó góp phần định hướng thông tin cho xã hội. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình trong hoạt động báo chí.

Hơn lúc nào hết, mỗi nhà báo lại càng cần tỉnh táo để không bị sa đà vào những thông tin tiêu cực, những mặt trái của xã hội; vẽ nên một diện mạo u ám của đời sống. Thay vào đó, cần cổ vũ những thông tin tích cực, những tấm gương người tốt việc tốt, những việc làm có ý nghĩa, tốt đẹp trong xã hội… qua đó giúp khẳng định con đường đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đang dẫn dắt chúng ta đi theo.

Khi đã “gieo” được những hạt giống của việc tiếp nhận và xử lý thông tin như vậy, chúng ta sẽ tin tưởng tới ngày mà rừng cây “đầu nguồn” này được gieo hạt sẽ giúp cản phá, khiến ‘luồng khói đen’ của đám cháy thông tin xấu, độc, chống phá không còn cơ hội lan tràn, tác yêu, tác quái!

 

Phạm Tuyết
Bài cuối: Củng cố niềm tin, tăng cường sức mạnh
Bài cuối: Củng cố niềm tin, tăng cường sức mạnh

Những lúc tĩnh lặng nghĩ sâu, tôi lại thấy mình may mắn được sinh ra, lớn lên và trải nghiệm trong một giai đoạn lịch sử có nhiều dấu ấn của dân tộc như vậy! Từ thời khắc cả nước hân hoan không khí hòa bình, thống nhất hai miền Nam- Bắc, trải qua những năm đầu bao cấp đầy khó khăn đến thời kỳ mở cửa, phát triển kinh tế thị trường gặt hái biết bao khởi sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN