Có lẽ chưa bao giờ số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng bị phát hiện vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực và bị xử lý kỷ luật lại nhiều như trong giai đoạn vừa qua. Không còn là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” có dấu hiệu suy thoái, biến chất như cách đánh giá thiên về định tính trước kia nữa, mà bây giờ tất cả đều đã được “chỉ mặt đặt tên” cụ thể, với những con số đáng phải suy ngẫm.
Khép lại nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý)…
Còn từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước cũng đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Nhất là đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao... Trong đó đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 thứ trưởng, 1 nguyên thứ trưởng, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh, 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
“Lò lửa” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đang cháy rực - như cách nói của dân gian, điều đó cho thấy quyết tâm và nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng mặt khác cũng làm bộc lộ những hạn chế có thể được xem là “nan đề” trong công tác này. Tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, chạm đến cả những lĩnh vực ít ai ngờ như giáo dục, y tế, ngoại giao. Và vi phạm, sai phạm cũng đang ngày càng trắng trợn hơn, liều lĩnh hơn, mang tính chất “lợi ích nhóm” rõ ràng hơn…
Trong khi đó, ngay vào những thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” cần sự nêu gương, cần sự tận tâm, tận lực của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân như trong đại dịch COVID-19 vừa qua, thì một số người lại không vượt qua được sự cám dỗ, dẫn đến sa ngã, tranh thủ trục lợi cho bản thân mình. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” mà thiếu bản lĩnh như vậy thì còn đâu vai trò? Tương tự, không ít tổ chức cơ sở đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu tính chiến đấu, thậm chí bị “vô hiệu hóa” hoạt động, nên cũng tự triệt tiêu vai trò “tập thể lãnh đạo” của mình. Chính những điều này đã làm tổn thương trực tiếp tới tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên và nguy hại hơn là làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, gây nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của chế độ.
“Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng vẫn còn nguyên tính thời sự. Việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xem xét Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào thời điểm này thể hiện quyết tâm đổi mới căn bản công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung vào những yếu tố cốt lõi là tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng theo tinh thần tư tưởng của Lê-nin “Thà ít mà tốt”; “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không chúng ta cũng không cần!”.
Hiện nay, toàn Đảng có khoảng 52.000 tổ chức cơ sở đảng với trên 5,2 triệu đảng viên. Số lượng đảng viên đang tăng nhanh và đây là đội ngũ trực tiếp xây dựng, cụ thể hóa và đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, không vì cứ mải chạy theo số lượng cho “đủ chỉ tiêu” một cách máy móc mà lơ là vấn đề chất lượng. “Đừng nhìn gà hóa cuốc”, “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần lưu ý về công tác cán bộ, đảng viên như vậy. Cốt yếu là làm sao lựa chọn, bố trí đúng người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân.
Đối với những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng thì đương nhiên càng phải kiên quyết loại bỏ. Trong “xây” có “chống”, không nhân nhượng với sai phạm và cần thượng tôn pháp luật để bảo vệ kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đối với những đảng viên “hữu danh vô thực” cũng vậy, chính sự thờ ơ, nể nang, né tránh, thái độ đoàn kết xuôi chiều, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh của họ làm suy yếu tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo cơ hội cho những mầm mống tiêu cực, suy thoái, tham nhũng sinh sôi, nảy nở.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân được Đảng ta nhấn mạnh là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đảng viên chính là khâu then chốt để xây dựng một tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần có những quy định mới phù hợp với thực tiễn, cụ thể, dễ thực hiện, gắn với sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng thì mới tạo ra “luồng sinh khí mới” cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.