Đề án Thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực cấp tỉnh, do Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng, đã được đưa ra xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 Khoá XIII, bế mạc ngày 10/5. Ban chấp hành Trung ương Đảng ta đã thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với thực tế hiện nay. Quyết sách tại Hội nghị giống như một tiếng trống lệnh, quyết liệt nổi thêm những “lò lửa” mới nhằm loại bỏ những “cành củi sâu mọt, mục ruỗng” một cách đồng bộ và liền mạch từ địa phương đến trung ương.
Ngay từ thời kỳ đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định tham ô, tham nhũng là một thứ “giặc nội xâm”, và chống “giặc nội xâm” luôn là công tác được Đảng ta đặt lên hàng đầu. Từ năm 2006, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có chức năng chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN trong phạm vi cả nước. Tiếp đó, năm 2007, các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh được thành lập. Tuy nhiên, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trong giai đoạn này còn gặp một số hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Do vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) đã quyết định chuyển đổi mô hình Ban Chỉ đạo PCTN trực thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu sang mô hình Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Hội nghị cũng quyết định không tổ chức các ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, thành phố. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.
Sau đúng 10 năm thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt xử lý rất nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh với khí thế cao ngút, khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta là "không có vùng cấm”, không có ngoại lệ trong đấu tranh với sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Với tinh thần ấy, “lò lửa” chống tham nhũng đã được bỏ vào rất nhiều “thanh củi mục ruỗng” dù lớn hay nhỏ, lấy lại niềm tin của nhân dân vào công cuộc chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng một cách thực chất, nghiêm minh.
Rõ ràng bộ máy chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp Trung ương đã vận hành hiệu quả, sắc bén. “Lò lửa” chống tham nhũng ở Trung ương luôn rực lửa. Tuy nhiên, ở cấp địa phương thì công tác PCTN, tiêu cực vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét, thậm chí ở nhiều nơi vẫn còn khá “nguội lạnh”. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực tại địa phương, dẫn đến nhiều vụ việc nổi cộm gây bức xúc nhưng tiến độ giải quyết còn chậm; số vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn do địa phương phát hiện còn rất ít…
Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ việc tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cấp địa phương chưa có một “tổng chỉ huy” để chỉ đạo phối hợp và đẩy mạnh mũi nhọn chống tham nhũng.
Chính vì thế, đây là thời điểm chín muồi để Đảng ta triển khai thành lập các Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động giống như “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương nhằm đẩy mạnh hoạt động PCTN, tiêu cực tới từng địa phương. Hệ thống PCTN từ đây sẽ có sự lãnh đạo thông suốt, đồng bộ, có hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh. Trung ương sẽ không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu. Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giải quyết tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, trên làm thay dưới lâu nay.
“Chúng ta không làm thay cấp tỉnh, tỉnh nào không làm được thì chúng tôi xử lý tỉnh”, đó là lời cảnh báo nghiêm khắc, giống như một mệnh lệnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc sàng lọc, loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, xây dựng Đảng ta và toàn bộ hệ thống chính trị trở nên trong sạch, vững mạnh.
Qua góp ý xây dựng Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, tiêu cực, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương này. Kết quả đó cho thấy sự nhất trí và quyết tâm cao từ trung ương tới địa phương nhằm nổi lên những “lò lửa” mới, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần đã được đồng chí Tổng bí thư khẳng định - "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".
Chủ trương đã quyết, lúc này điều được dư luận quan tâm là phải xây dựng được đội ngũ Ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh gồm những cán bộ tuyệt đối trong sạch, liêm chính và bản lĩnh. Những người tay đã “nhúng chàm” thì không thể chống tham nhũng. Đó phải là những cán bộ thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”, không nể nang, nương tay với các sai phạm ngay trong cơ quan, địa phương mình. Tham gia Ban chỉ đạo cấp tỉnh, người đứng đầu các địa phương sẽ phải thể hiện trách nhiệm, năng lực ở mức cao nhất trước Đảng, trước Trung ương trong việc chủ động phòng ngừa và chống tham nhũng, tiêu cực; thể hiện năng lực giám sát, xử lý dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng, gây bức xúc trong dư luận địa phương, qua đó gây dựng lại niềm tin nơi nhân dân.
“Giặc nội xâm” tham nhũng luôn ẩn hình, biến hình, ngày càng tinh vi, phức tạp và liều lĩnh hơn. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì thế cần phải được tiến hành thống nhất, đồng bộ, thường xuyên và lâu dài để liên tục làm sạch “cơ thể” Đảng và chính quyền các cấp khỏi thứ “giặc” ẩn hình và độc hại này. Quyết sách của Đảng ta về thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đang khơi dậy niềm hy vọng và mong chờ của nhân dân về những “lò lửa” luôn rực cháy, vừa có tác dụng cảnh tỉnh, ngăn ngừa, vừa thực sự diệt trừ nạn tham ô, tham nhũng, làm hại đất nước, làm hại nhân dân.