Đắng lòng vì bò sữa

Sau vụ việc người chăn nuôi ở Lâm Đồng đổ sữa ra đường, vì các công ty chế biến sữa hạn chế thu mua, ép sản lượng xuống (báo Tin Tức đã có bài phản ánh), đến lượt người nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang đối mặt với nguy cơ tương tự. Nghịch lý ở chỗ, trong khi người nông dân phải bán tống, bán tháo một lượng sữa tươi không nhỏ mỗi ngày, thì các nhà máy sữa trong nước lại ra sức nhận nguyên liệu sữa từ nước ngoài để chế biến.

Đã hơn một tháng nay, người nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đứng ngồi không yên khi Công ty Sữa quốc tế (IDP), một trong hai đơn vị chủ lực thu mua sữa trên địa bàn bỗng dưng khống chế số lượng và giảm giá mua sữa. Đang mùa sinh sản, sản lượng sữa thu được nhiều, nhưng đầu ra lại bị hạn chế khiến sữa bị dồn ứ mỗi ngày.

Nếu tình trạng trên kéo dài, nguy cơ người nông dân phải đổ sữa ra đường là khó tránh khỏi. Đây không phải lần đầu tiên và là địa bàn duy nhất xảy ra tình trạng này. Ngoài xã Phù Đổng, Gia Lâm, thì ngay cả nhiều nông dân ở Ba Vì, Hà Nội hay ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh... cũng đang chật vật tìm nơi tiêu thụ sữa tươi.

Câu chuyện người nuôi bò sữa trong nước điêu đứng vì sản phẩm không tìm được đầu ra, có nguyên nhân xuất phát từ giá sữa thế giới thời gian gần đây giảm khá sâu, còn khoảng 2.200 USD/tấn sữa bột (cả năm 2013 và đầu năm 2014 ở mức 5.000 USD/tấn) và chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, giá sữa tươi mà các doanh nghiệp chế biến sữa mua của nông dân nuôi bò ở mức 13.000 - 14.000 đồng/kg, tức có mức chênh lệch khá lớn.

Giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu không chỉ rẻ hơn so với giá sữa tươi trong nước, mà còn dễ bảo quản, có thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau. Nói cách khác, nhập khẩu sữa bột về pha thành sữa nước lợi nhuận hơn nhiều so với sản xuất sữa tươi.

Có lẽ đây là lý do khiến các doanh nghiệp sữa trong nước “chê” sữa tươi nguyên liệu trong dân, mà đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu (sữa bột) về chế biến, thay vì chia sẻ khó khăn cùng người nuôi bò sữa.

Cũng có ý kiến cho rằng, người nuôi bò sữa rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay là hệ quả của việc chăn nuôi tự phát, nuôi theo phong trào. Như ở Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh hiện nay là 13.600 con, bằng 148% so với kế hoạch, tăng 78% so với năm 2013. Nguyên nhân  dẫn đến đàn bò sữa tăng nhanh một cách đột biến là do sự chủ quan của người chăn nuôi.

Mặc dù vốn đầu tư lớn (chi phí để nuôi một con bò sữa hiện nay lên tới gần 5 triệu đồng mỗi tháng), nhưng lợi nhuận đem lại từ nghề nuôi bò sữa lại rất cao, do vậyhàng trăm hộ chăn nuôi đã đầu tư vốn, vay ngân hàng để phát triển đàn bò sữa.

Việc đàn bò sữa tăng đột biến, trước hết là trách nhiệm của ngành nông nghiệp và điều này đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ ra với yêu cầu ngành nông nghiệp cần xem lại chương trình phát triển bò sữa, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra việc phát triển đàn, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Từ câu chuyện sữa tươi sản xuất ra mà không tiêu thụ được ở Gia Lâm (Hà Nội) và Đơn Dương (Lâm Đồng), một lần nữa cho thấy những bất hợp lý trong quy luật cung - cầu, mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu tầm nhìn xa trong công tác quy hoạch đàn bò sữa.

Phải thấy rằng, phải mất một thời gian để nghề nuôi bò sữa phục hồi sau khi bị trì trệ vào đầu những năm 2000, vì vậy, với tình huống hiện nay cần có sự giải quyết nhanh để hạn chế những tác động xấu đến nghề nuôi bò sữa cả nước, đặc biệt với người nuôi.

Những bất cập nêu trên rõ ràng cần được giải quyết bằng những giải pháp mang tính vĩ mô, không chỉ đảm bảo yếu tố đầu ra ổn định, mà còn là vấn đề liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, cũng như việc quy hoạch vùng nguyên liệu, hướng tới việc giảm nhập khẩu nguyên liệu sữa của các doanh nghiệp chế biến sữa trong nước.


Yến Nhi
 Doanh nghiệp giới hạn thu mua sữa, hộ nuôi bò bức xúc
Doanh nghiệp giới hạn thu mua sữa, hộ nuôi bò bức xúc

Hàng chục hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đã tập trung tại trạm thu mua sữa của Công ty cổ phần sữa Đà Lạt để phản đối về việc công ty này đưa ra hạn mức chỉ thu mua giới hạn 16 lít sữa/con bò/ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN