Cứu người bị nạn - trách nhiệm của toàn xã hội

Người Việt vốn có truyền thống “tương thân, tương ái”, "lá lành đùm lá rách"..., được thể hiện rõ trong khó khăn hoạn nạn, đất nước lâm nguy. Song, khi xã hội phát triển, cuộc sống xô bồ thì "bệnh" vô cảm, thờ ơ với những người hoạn nạn dường như cũng phát triển.

Chính sự thơ ơ, vô cảm đó mà nhiều nạn nhân tai nạn giao thông không được giúp đỡ kịp thời dẫn đến tử vong. Đây là vấn đề cần sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội để nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người dân.

Trên tuyến quốc lộ 5 đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm, chứng kiến vụ va chạm giữa xe khách với một xe máy, khiến người thanh niên điều kiển xe máy ngã lăn ra đường bị thương nặng còn lái xe khách do sợ hãi đã bỏ trốn, nhưng lạ thay người dân hai bên đường xúm đến chỉ chỏ và không ai đến sơ cứu cho người bị thương.

Cũng có người đứng ra vẫy xe để đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng rất nhiều ô tô vù qua, phải đợi đến 15 phút sau mới có một chiếc taxi dừng bánh, chở nạn nhân đi viện. Đây không phải là trường hợp cá biệt trước sự thờ ơ, vô cảm của người dân với tai nạn giao thông.

Bình luận về sự thờ ơ, vô cảm, anh Nguyễn Đức Xây, một lái xe taxi thổ lộ, bản thân nhiều khi cũng muốn cứu giúp người bị nạn, nhưng khổ nỗi trên xe đang có khách hoặc trường hợp có giúp cũng gặp không ít phiền toái. Anh Xây kể, có lần đã dừng xe chở một người bị nạn từ đường Nguyễn Văn Cừ vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Khi đưa nạn nhân đến nơi, gặp sự thờ ơ của bác sỹ, họ nhìn mình như thể người gây tai nạn nên có thanh minh họ cũng chưa tin. “Khi đến viện, phải làm thủ tục nhập viện, nộp tiền lệ phí, thậm chí viết biên bản tường trình, cam kết… để bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân, mình mới được “giải phóng”, anh Xây kể lại.

Cũng theo anh lái xe này, nhiều người từ chối không chở nạn nhân bị tai nạn có lẽ là do xe họ quá mới, sang trọng, bên trong thơm nức nước hoa cộng với vẻ mặt của chủ xe thể hiện sự quan trọng, vội vàng nên nhiều người cũng ngại ngùng khi nhờ họ đưa nạn nhân đến bệnh viện. “Không lẽ trách nhiệm này lúc nào cũng thuộc về xe taxi”, anh Xây bày tỏ.

Một lần, chị nhân viên trong cơ quan đi làm muộn với vẻ mặt bực tức vì bị ngã xe, chị cho biết, lúc đấy có chừng 5-6 thanh niên ngồi uống trà đá vỉa hè, thấy cảnh tượng đó lại xem như một trò hài để cười.

Qua tìm hiểu thực tế ở Thủ đô, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều được quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng giúp đỡ cứu chữa rất kịp thời. Tuy nhiên, có không ít vụ tai nạn giao thông không những bị thờ ơ bỏ mặc, mà có người còn lao đến không phải để cứu giúp người và phương tiện bị nạn mà nhanh tay chôm chỉa tài sản, mặc cho nạn nhân đang trong cơn nguy kịch.

Hoặc, cũng có không ít người hiếu kỳ, hễ có va chạm giao thông là tò mò xúm lại chỉ trỏ, bình luận, nhìn biển số xe để “nghiên cứu” đánh lô đề, hy vọng tìm vận may chính từ sự đau khổ, rủi ro của người khác.

Mặt khác, nhiều người cũng nghĩ rằng, sẽ ra tay cứu giúp người bị nạn, nhưng vì tâm lý e ngại phiền hà hoặc nghĩ rằng trên đường còn nhiều người qua lại, mình không giúp sẽ có người khác, dẫn đến nhiều khi tính mạng của người bị nạn phải phụ thuộc vào “số trời”.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Khoa khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, đôi khi nạn nhân chỉ cần được sơ cấp cứu kịp thời hoặc nhanh hơn vài phút là có cơ hội sống sót. Song, nhiều trường hợp nạn nhân bị chết oan do đưa đến viện quá muộn, vì cơ thể bị mất nhiều máu do không được băng bó kịp thời.

Bác sỹ Thảo cho rằng, nhiều người dân cũng không có kỹ năng sơ cấp cứu, nhưng thực tế không cần phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, mà vấn đề ở đây là nạn nhân cần được xử lý kịp thời bằng việc làm đơn giản, băng bó để cầm máu, hô hấp nhân tạo hoặc nới rộng quần áo làm vết thương không bị cọ xát gây đau đớn, mất sức…

Anh Nguyễn Cao Khương, công tác tại Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, những hành vi không cứu giúp người bị tai nạn, hoặc đứng lại xem tai nạn gây cản trở lực lượng chức năng tác nghiệp tại hiện trường là hành vi cần được cả xã hội lên án, tẩy chay.

Theo quy định của pháp luật, một người có đủ điều kiện để cứu giúp người bị nạn trong tình trạng nguy hiểm tính mạng nhưng bỏ mặc có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Song trên thực tiễn vẫn khó xử lý, bởi cơ quan chức năng không dễ chứng minh được thời điểm đó người ta có đủ điều kiện để cứu giúp hay không.

Anh Nguyễn Cao Khương chia sẻ thêm, mỗi người khi gặp những vụ tai nạn giao thông, cần xóa bỏ nghi ngại phiền hà, mang vạ đến với mình mà hãy suy nghĩ theo chiều hướng, đặt giá trị tính mạng, sức khỏe của nạn nhân lên trên hết để có một hành động dù nhỏ góp phần cứu người bị nạn có cơ hội được sống.

Mặt khác, các gia đình nạn nhân cũng cần hết sức bình tĩnh khi xử lý vấn đề, đừng vì bị kích động mạnh chi phối lý trí khi chưa hiểu nguyên nhân để không biến "ơn thành oán", như vậy mới nhân lên được các hành động đẹp trong xã hội.

Ở góc độ khác, Đại đức Thích Đồng Huệ, Trụ trì chùa Nôm cho rằng, “cứu một người bằng xây bảy tòa tháp”, việc ra tay hải hà cứu giúp người bị nạn là việc nên làm, vừa là tạo cơ hội cứu sống cho người khác, đồng thời tích đức, tích thiện cho gia đình và con cháu.

"Chuyện tương lai cuộc sống cũng khó có thể nói trước được, đôi khi người thân của mình bị tai nạn lại gặp được người tốt cứu giúp, đó chẳng phải là mình đã gieo duyên lành, được gặp lành. Luật nhân – quả vẫn còn có giá trị trong cuộc sống hiện tại”, vị Đại đức tâm sự.

Nhìn rộng hơn ra nước ngoài, mới đây các phương tiện truyền thông đưa tin về một người lái xe tên Zhang đã phát hiện một phụ nữ có tuổi bị thương nặng ở phần mặt khi ông đang trên đường về nhà tại thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tuy nhiên Zhang không dừng xe lại, cứu giúp người phụ nữ gặp nạn kia mà vô tâm lái xe thẳng về nhà.

Khi về đến nhà, Zhang không thấy mẹ mình đâu cả. Hỏi thăm những người hàng xóm, họ cho biết bà đã ra ngoài và đến khu Zhang sinh sống để thăm anh. Linh cảm thấy điều gì đó bất an, Zhang lập tức lái xe lại chỗ người phụ nữ đứng tuổi kia gặp nạn.

Khi tới nơi, Zhang nhận ra người phụ nữ đầy máu nằm trên mặt đất chính là mẹ của mình, bà đã bị một tài xế vô lương tâm đâm vào và bỏ trốn. Tuy Zhang vội vã gọi xe cứu thương đưa mẹ đến bệnh viện song bà đã tắt thở ngay trên đường đi. Đây cũng là bài học đắt giá cho sự vô cảm và thờ ơ với cuộc sống xung quanh.

Tai nạn giao thông là hiểm họa tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường có thể xảy ra ở nhiều nơi với bất kỳ người nào. Thế nên, mỗi người nên đặt mình vào hoàn cảnh nghiệt ngã của nạn nhân mà có hành động hợp lý cứu giúp người bị nạn. Phía cơ quan chức năng nên chăng có biện pháp gỡ khó cho người tham gia cứu giúp người bị tai nạn giao thông, để ngày càng xuất hiện nhiều hơn "Lục vân tiên" giữa đời thường.

Năm 2015, thành phố Hà Nội tiếp tục lấy là “Năm trật tự văn minh đô thị”, với chủ đề này, ngoài mục đích giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, vi phạm trật tự xây dựng, mà cao hơn, thành phố Hà Nội còn mong muốn xây dựng một hình ảnh về con người Thủ đô thân thiện, văn minh, giàu lòng nhân ái và ngày càng bớt đi sự vô cảm, thờ ơ trong cuộc sống.


Mạnh Khánh (TTXVN)

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ - Không thể thờ ơ
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ - Không thể thờ ơ

Luật Giao thông đường bộ quy định, trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng quy cách. Quy định là thế, nhưng lâu nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành xử phạt và các bậc phụ huynh cũng chẳng mấy quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN