Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới ngày 3/9, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 479.280 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 11.490 người tử vong. Đại dịch đã tấn công tất cả các nước thành viên hiệp hội, gây ra những tác động sâu rộng về kinh tế-xã hội, nhất là tại các ngành kinh doanh dịch vụ, vốn chiếm đến 30% tổng khối lượng GDP của ASEAN, gây gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.… Ngày 28/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các quốc gia đối tác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch COVID-19.
Theo tuyên bố chung sau cuộc họp lần thứ 8 giữa các Bộ Trưởng kinh tế ASEAN và các đối tác ngoại khối ở khu vực Đông Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga và Mỹ, các Bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng và ổn định thị trường, cũng như tăng cường khả năng phục hồi kinh tế tại khu vực Đông Á hậu đại dịch, kêu gọi các sáng kiến giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế bền vững, bày tỏ quyết tâm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính thông qua duy trì thị trường cởi mở với thương mại và đầu tư, cũng như hoạt động giao thương và đi lại cần thiết của người dân qua biên giới…
Có thể thấy rằng 5 năm kể từ ngày thành lập, đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất, phức tạp nhất mà Cộng đồng ASEAN đối mặt. Song “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khó ASEAN đã biết cách tỏa sáng đúng lúc. Ngay từ đầu năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “ASEAN - Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt của dịch COVID-19 cho thấy chủ đề và phương châm đó chính xác hơn bao giờ hết. Ngay ngày 14/2, ASEAN đã sớm có Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với COVID-19 và tiếp đó là một loạt cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng… nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng chống dịch.
Trong suốt 7 tháng sau đó, nhờ tinh thần đoàn kết và gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN, cùng vai trò chèo lái của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch, cũng như sự hỗ trợ, hợp tác từ các đối tác, ASEAN đã thực hiện có hiệu quả hàng loạt mục tiêu, vượt qua các khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu bước đầu hết sức ý nghĩa trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 và bắt đầu triển khai những nỗ lực phục hồi hậu đại dịch. Tới thời điểm này (tháng 9/2020), dịch bệnh về cơ bản chỉ còn phức tạp tại 2 nước thành viên là Indonesia và Philippines, trong khi một số thành viên khác đang khống chế tốt đại dịch và bắt đầu xúc tiến tái mở cửa nền kinh tế - xã hội như Thái Lan và Singapore, hoặc kiên trì thực hiện mục tiêu kép như vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như Việt Nam.
Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, đánh giá cách ASEAN ứng phó với đại dịch đã cho thấy hình ảnh một ASEAN gắn kết, chủ động, thích ứng, kiên cường và vững vàng trước nghịch cảnh. Đại sứ Trần Đức Bình nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của tư duy cộng đồng và hành động cộng đồng”.
Với đại dịch COVID-19, có lẽ các nước không thể tự mình vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ này; cuộc khủng hoảng đòi hỏi những nỗ lực toàn diện, mà ở đó việc vận dụng các phương pháp thông thường sẽ là không đủ. Đoàn kết và phối hợp là hai trong số những yếu tố quan trọng đang giúp ASEAN trở nên kiên cường hơn bao giờ hết.
Trong bức tranh toàn cảnh thế giới vẫn còn những gam màu xám, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó lường, Cộng đồng ASEAN đang nổi lên như một điểm sáng, khẳng định giá trị trường tồn về đoàn kết, hợp tác và đối thoại, đồng thời cũng là minh chứng rõ ràng cho xu thế hội nhập của thời đại. Những thành công bước đầu của ASEAN trong cuộc chiến chống COVID-19 không chỉ khẳng định tính đúng đắn của con đường ASEAN đã chọn, mà còn củng cố quyết tâm của các nước ASEAN tăng cường liên kết, hội nhập để định hình một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả các quốc gia thành viên.
Trong lịch sử 53 năm hình thành và phát triển, sau mỗi khó khăn, thách thức và khủng hoảng, ASEAN lại vươn lên mạnh mẽ. Giờ chính là thời điểm ASEAN tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó và thể hiện sứ mệnh của mình là điểm tựa, là chỗ dựa cho các quốc gia thành viên trong lúc gian nguy nhất.