22 địa phương chưa công bố thủ tục hành chính về đất đai, 49 tỉnh thành chưa đưa văn phòng đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình tại cuộc họp ngày 26/5. Dẫn chứng từ lĩnh vực quản lý đất đai để thấy, cho dù cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng kết quả chưa được như mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Có thể nói, hành trình cải cách thủ tục hành chính vẫn là một thách thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cần phải thấy rằng, mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính không phải là bỏ vai trò quản lý nhà nước mà cải cách là để quản lý tốt, công khai, minh bạch đi liền với tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Muốn thực hiện được mục tiêu vừa nêu, không có cách nào khác các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung theo hướng bãi bỏ những quy định không cần thiết, hoặc nếu giữ để quản lý thì phải đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch nhằm quản lý tốt hơn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy vẫn tồn tại sự chồng chéo, rối rắm và mâu thuẫn của quá nhiều văn bản pháp luật liên quan cải cách thủ tục hành chính, làm người dân, doanh nghiệp nản lòng. Vướng nhất trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính vẫn là các quy trình chưa thật sự rõ ràng; thiếu đồng bộ, mỗi nơi mỗi khác. Phố biến trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai là hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bị cơ quan có thẩm quyền trả sai hẹn; người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch trong các thủ tục đã tạo kẽ hở cho cán bộ thực thi công vụ trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện cơ chế "một cửa, một cửa liên thông", có khá nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai bị trả chậm so với thời gian quy định, nhưng dường như các cơ quan, đơn vị, cán bộ thực thi công vụ đều cho rằng, đó không phải là lỗi ở họ; mà lỗi là do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ... Đáng lẽ, hơn ai hết, chính các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính phải hiểu rõ thủ tục nào đang vướng, vì sao vướng, thì họ lại vin vào lý do đó để gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Thay vì đổ lỗi cho cơ chế, nếu những người thực thi công vụ có tâm, có tinh thần trách nhiệm với công việc, thì chắc chắn những vướng mắc (dù phức tạp đến mấy) cũng sẽ được tháo gỡ.
Rõ ràng, nguyên nhân bao trùm là cán bộ thực thi công vụ chưa ý thức được trách nhiệm của mình. Trong khi đó, việc kiểm tra, đôn đốc của tập thể, của cấp trên thiếu kiên quyết, thậm chí dung túng, bao che cho cán bộ dưới quyền có sai phạm. Hơn thế, cá nhân vì quyền lợi mà làm trái; tập thể, cấp lãnh đạo cũng vì quyền lợi mà xử lý thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh...
Vấn đề đặt ra, muốn tạo chuyển biến căn bản trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Vấn đề mang tính quyết định, đó là từng cán bộ thực thi nhiệm vụ cần nêu cao tâm huyết, ý thức trách nhiệm với công việc. Có như vậy, việc giải quyết thủ tục hành chính mới thông suốt, hiệu quả, người dân và doanh nghiệp mới tin vào sự trong sạch của bộ máy công quyền.
Yến Nhi