Công bằng thi cử

Trên 887.000 thí sinh đã bước vào kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019. Rút kinh nghiệm từ những sai phạm bị phát hiện ở kỳ thi năm 2018, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có hàng loạt biện pháp để phòng, chống gian lận.

Trả lời báo chí trước kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 cho biết kỳ thi được tổ chức về cơ bản giữ nguyên phương thức thi như hai năm trước và có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.

Một số thay đổi là: trường đại học/cao đẳng phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường đại học/cao đẳng thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT; Bộ trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi…

Từ bài học gian lận điểm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018, dù quy định có chặt chẽ thế nào thì yếu tố con người thực thi cũng mang tính quyết định. Năm nay, Bộ GD-ĐT cho biết đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi, đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. Bộ đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất. Công tác thanh tra, giám sát cũng được tăng cường.

Đó mới chỉ là ở góc độ phòng chống “nội gián”, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì những thiết bị điện tử hỗ trợ thí sinh gian lận bằng sự trợ giúp từ bên ngoài cũng ngày càng hiện đại. Theo quy định, chỉ các cơ sở được cấp phép mới được bán các thiết bị thu phát ngụy trang bí mật và người mua cũng phải xuất trình giấy tờ được phép mua. Trớ trêu là ở Hải Phòng, các đối tượng bán lậu lại yêu cầu người mua xuất trình thẻ thí sinh dự thi để đảm bảo bán hàng “đúng đối tượng”, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, trước thềm kỳ thi, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý nhiều đường dây bán thiết bị hỗ trợ gian lận.

Việc đổi mới phương thức thi 2 trong 1, lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng đã mang lại những lợi ích rõ rệt cho xã hội, nhưng những lo ngại từ đầu về việc đảm bảo công bằng, chống gian lận cứ lớn dần lên. Việc phát hiện sửa điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 còn khiến dư luận đặt câu hỏi về “lỗi hệ thống” rằng liệu còn thí sinh nào chưa bị phát hiện? Chính vì vậy, kỳ thi năm 2019 này có thể nói yếu tố chống gian lận đã được đặt lên hàng đầu, chỉ ước tính số tiền các tỉnh công bố khi trang bị thêm camera giám sát, máy móc bảo mật… cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Mỗi kỳ thi có mục đích là để đánh giá một quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa lớn với các em bởi nó đánh giá, xếp loại của 12 năm học phổ thông, tiếp bước các em đến một nấc thang mới trong cuộc đời. Điều đó cũng đồng nghĩa tạo nên một áp lực đòi hỏi sự công bằng trong đánh giá cho các thí sinh, cụ thể là điểm thi phải phản ánh đúng năng lực, trình độ chứ không phải “học tài, thi phận” hay gian lận bằng cách này cách khác. Áp lực này càng lớn hơn khi chỉ cần qua được “ngưỡng cửa” kỳ thi THPT quốc gia là vẫn có thể theo học bình thường ở các trường đại học tốp đầu giống như những thí sinh năng lực kém nhưng “may mắn” ở Hòa Bình, Hà Giang hay Sơn La vừa qua. Trong khi lẽ ra, một trường đại học đòi hỏi đầu vào cao thì quá trình học cũng phải khắt khe tương ứng để phân loại, đánh giá được sinh viên. Được như vậy thì thí sinh năng lực kém cũng không dám “cố” mà vào đại học.

Giảm áp lực trong kỳ thi THPT quốc gia cũng chính là đánh giá học sinh trong suốt quá trình 12 năm học phổ thông chứ không phải qua một kỳ thi. Nhưng để đảm bảo được công bằng trong suốt quá trình đó thì cần cả hệ thống vào cuộc và cũng khó hơn nhiều so với đảm bảo công bằng trong một kỳ thi.

Trần Ngọc Tú
Thí sinh khuyết tật mang theo khát vọng nghị lực vào bài ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia
Thí sinh khuyết tật mang theo khát vọng nghị lực vào bài ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia

Đề thi Ngữ Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2019 được đánh giá khá gần gũi với học sinh đặc biệt là ở câu nghị luận xã hội với yêu cầu bàn luận về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống. Câu nghị luận này còn trở nên đặc biệt và gần gũi hơn đối với những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN