Hiện với tần suất 4 chuyến mỗi tuần, đường bay quốc tế TP.HCM - Jakarta đang khai thác có hiệu quả. Nhưng điều đáng nói và 80% khách trên các chuyến bay là người “Nam Dương” sang với Việt Nam.
Nếu đến tháng Ramadan, những tín đồ Hồi giáo ở nhà “ăn chay”, khả năng các chuyến khứ hồi giữa hai quốc gia lại “trắng” chỗ. Đó là tâm sự của đại diện Vietnam Airlines trong dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt cộng đồng người Việt, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Inđônêxia vừa qua.
Quyết tâm giữa hai nhà nước đã được khẳng định qua tuyên bố, sẽ đưa kim ngạch thương mại hai chiều vượt ngưỡng 5 tỉ USD vào năm 2015. Thực lòng mà nói, dựa vào tiềm năng của hai quốc gia đông dân hàng đầu trong khu vực, quan hệ chính trị hữu hảo với nhau đã nhiều năm, mục tiêu kia hoàn toàn có thể. Nhưng qua trình bày của đại diện hàng không, dễ nhận thấy, sự quan tâm của thương khách Việt Nam với thị trường rộng lớn của quốc gia có 17 nghìn hòn đảo, đang phấn đấu từ G20 vào top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong hơn 10 năm tới, vẫn chưa tương xứng. Giả sử có sự vồ vập thích đáng, thì các chuyến bay sang Inđônêxia đã phải ăm ắp khách Việt Nam. Mà càng đáng suy ngẫm, khi đại diện Vietnam Airlines bật mí thêm, ngoài “thiên đường Bali”, người Việt chưa biết nhiều đến Inđônêxia về thương mại. Trong khi Inđônêxia đã khá niềm nở với 35 dự án các liên doanh khá tên tuổi Hotel Horizon Hà Nội, Bệnh viện quốc tế Hà Nội Ciputra có số vốn gần 300 triệu USD, thì từ chiều ngược lại Việt Nam mới chỉ có 7 dự án trong với nguồn đầu tư bằng 1/6 của Inđônêxia.
Các quốc gia thuộc diện mới nổi đều có chung công thức, giao thông mở tới đâu, kinh tế phát triển tới đó. Vận vào câu chuyện quan hệ thương mại với Inđônêxia, mới thấy dường như giao thông đã rộng đường, còn giao thương chưa bắt kịp. Nay mai khi Vietnam Airlines tăng tần suất mỗi ngày một chuyến, đến thời điểm nào sẽ có sự cân bằng về tỉ lệ hành khách, đồng nghĩa với sự vươn ra của người Việt đến đảo quốc láng giềng?
Sau hơn 25 năm đổi mới, Việt Nam cũng một phần nhờ coi trọng, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, để đạt được tăng trưởng. Với Tuyên bố chung vừa nêu rõ, Inđônêxia là đất nước vừa nối dài danh sách đối tác chiến lược với Việt Nam. Trụ cột ngoại giao vừa đạt được ấy, nói ra nhẹ nhàng, nhưng thực sự đạt được không phải dễ. Sẽ không ai đặt quan hệ chiến lược, đặc biệt về kinh tế thương mại với một đối tác không xứng tầm. Và để duy trì và hiện thực hóa được điều này, có trách nhiệm của tất cả các tầng lớp “sĩ, nông, công, thương”, như lời dặn dò của Chủ tịch với cộng đồng người Việt Nam ở Jacacta, trước khi về nước, khép lại chuyến công du của nguyên thủ Việt Nam sau 12 năm quay trở lại quốc gia Vạn đảo.
Hoàng Giang